Bên bờ hạnh phúc

Sáng 7/7, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp toàn thể lần thứ 20 của Ủy ban Tư pháp (Quốc hội) để chuẩn bị các nội dung của phiên họp thứ 39 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 
 

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

 

Ủy ban Tư pháp thẩm tra các Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về chế độ phụ cấp đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong ngành Kiểm sát nhân dân; về chế độ tiền lương; về trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức của Viện Kiểm sát Nhân dân; về bổ sung biên chế, số lượng Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân; về thành lập Viện Kiểm sát Nhân dân ở một số đơn vị hành chính cấp huyện mới được chia tách, thành lập mới. 

Thẩm tra Tờ trình của Toà án nhân dân tối cao về việc đề nghị thành lập T​òa án Nhân dân huyện, thị xã thuộc tỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tham dự phiên họp.

Tờ trình về chế độ phụ cấp đối với chức vụ lãnh đạo, quản lý, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị nâng phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức danh đã được quy định tại Nghị quyết số 370 và quy định mới hệ số phụ cấp đối với các chức danh lãnh đạo tại Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao, chức danh lãnh đạo cấp phòng tại Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện.

Về nội dung này, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị đối với các chức danh đã được quy định trong Nghị quyết số 730 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về chính sách tiền lương trong cả hệ thống chính trị, trong khi chưa cải cách tiền lương, đề nghị tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo, bảng lương chuyên môn, chế độ phụ cấp trách nhiệm theo đúng quy định của Nghị quyết 730.

Đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý tại Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao, Nhóm nghiên cứu nhất trí với ý kiến của Bộ Nội vụ đề nghị điều chỉnh thấp hơn; đề nghị có sự phân biệt hệ số phụ cấp giữa chức danh lãnh đạo tại đơn vị làm nghiệp vụ với đơn vị không làm nghiệp vụ. 

Cụ thể đối với chức danh Viện trưởng Viện nghiệp vụ là 0,90 (tương đương Vụ trưởng của Tổng cục), Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ là 0,70 (tương đương Phó Vụ trưởng thuộc Tổng cục), Trưởng phòng Viện nghiệp vụ là 0,55 (cao hơn 0,05 so với Trưởng phòng thuộc Tổng cục), Phó trưởng phòng Viện nghiệp vụ là 0,45 (cao hơn 0,05 so với Phó trưởng phòng thuộc Tổng cục). 

Đối với các đơn vị như Văn phòng và tương đương thì cấp trưởng có hệ số phụ cấp là 0,85 (thấp hơn 0,05 so với Viện trưởng nghiệp vụ), cấp phó là 0,65 (thấp hơn 0,05 so với Phó Viện trưởng nghiệp vụ); Trưởng phòng là 0,5 (tương đương Trưởng phòng thuộc Tổng cục), Phó trưởng phòng là 0,4 (tương đương Phó trưởng phòng thuộc Tổng cục)…

Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định về biên chế và kiểm sát viên, điều tra viên của ngành Kiểm sát nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị xác định số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên các ngạch của ngành Kiểm sát nhân dân là 11.712 người (73,8%), tăng hơn so với Nghị quyết 522e/NQ-UBTVQH là 1.133 Kiểm sát viên và 120 Điều tra viên vì có thêm các ngạch Kiểm sát viên ở các cấp Viện Kiểm sát Nhân dân và các ngạch Điều tra viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. 

Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề này chưa được Chính phủ cho ý kiến theo đúng trình tự luật định. Tờ trình còn sơ lược, không nêu được phương pháp, tiêu chí, căn cứ để xác định số lượng, cơ cấu tỷ lệ Kiểm sát viên các ngạch theo yêu cầu trên, hiện chỉ nêu số lượng cụ thể cần có; chưa xây dựng Đề án về tổ chức, biên chế của ngành đến năm 2020 trình Bộ Chính trị… 

Vấn đề này, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị trước mắt Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao giữ nguyên số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên các ngạch như hiện nay. Đối với Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao thì thực hiện đúng Điều 3 Nghị quyết số 953/NQ-UBTVQH13, theo đó “Căn cứ tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ các ngạch Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quyết định biên chế, số lượng Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức và người lao động khác của từng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao.”

Tại phiên họp, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp tán thành với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thành lập 5 Tòa án nhân dân cấp huyện gồm: Tòa án nhân dân huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum; Tòa án nhân dân huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước; Tòa án nhân dân thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; Tòa án nhân dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang./.

Nguồn: QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *