Bên bờ hạnh phúc

Tự hào là người Việt Nam và muốn cống hiến hết mình cho quê hương khi có cơ hội – là tâm nguyện chung của phần lớn bà con kiều bào khi nói về quê hương.

Hạnh phúc khi được cống hiến

Nhận lời mời của Uỷ ban nhân dân TP HCM, tiến sĩ Lê Quốc Bình (Viều kiều Canada) về Việt Nam hợp tác nghiên cứu về công nghệ chuyển nạp gen. Ý định ban đầu là “về rồi lại đi nhưng mảnh đất quê hương đã níu giữ chân ông ở lại.

Tốt nghiệp ĐH ngành Sinh hóa ở Kisinhốp (Liên Xô cũ), sau đó sang Pháp làm nghiên cứu sinh tiến sĩ sinh học phân tử, tiến sĩ Bình được chính phủ Canada mời sang làm nghiên cứu sau tiến sĩ về chuyển nạp gen trên các loại cây trồng. Kết quả nghiên cứu về gen trên khoai tây, cà chua, các loại gen chống bệnh, tăng năng suất… đã đưa ông trở thành một trong những người đi đầu trong lĩnh vực này tại ĐH Laval (Canada).

Thế nhưng, khi được mời về làm Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, tiến sĩ Bình đã nhận lời. Ông chia sẻ: “Tôi chỉ mong muốn góp một phần nhỏ sức lực của mình cho quê hương, truyền lại kinh nghiệm cho giới trẻ trong thời gian nhất định”.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP HCM Lê Hoàng Quân gặp gỡ kiều bào.

Chỉ định về rồi lại đi, “nhưng khi về nước rồi tôi mới thấy mình sẽ có ích hơn khi ở quê hương, mình cần cho quê hương nhiều hơn là ở xứ người”, nên tiến sĩ Bình cho biết: “Có lẽ tôi sẽ ở lại Việt Nam và cống hiến những gì mình đã tích lũy được cho quê hương đến khi không còn làm được nữa mới thôi”.

Theo tiến sĩ Bình, Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM mới được xây dựng nhưng trung tâm sẽ đóng góp đáng kể cho ngành nuôi trồng thủy sản, cây trồng, và vaccine ngừa bệnh. Có thể xem đây là một chương trình trọng điểm của TP HCM và của cả nước.

Tiến sĩ Lê Quốc Bình tâm sự: “Giúp thành phố xây dựng được một Trung tâm Công nghệ sinh học có tầm cỡ không chỉ giới hạn trong nước, tập hợp một đội ngũ cán bộ đủ năng lực để đưa hoạt động của Trung tâm đạt hiệu quả… là ước nguyện lớn nhất của tôi”.

Kiên định niềm tin về tương lai đất nước

Cùng suy nghĩ là người Việt phải cống hiến sức mình cho đất nước, ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Việt kiều Mỹ) đã trở về nước để kinh doanh. Mặc dù trước đó từng làm Tổng đại diện của Philippines Airline tại Đông Dương và thanh tra tài chính của hãng Boeing (Mỹ), nhưng khi có cơ hội là ông về nước ngay. Ông chia sẻ: “Dù buổi đầu gặp không ít khó khăn, nhưng với niềm tin kiên định là đất nước sẽ thay đổi, tôi đã vượt qua giai đoạn này”. Năm 1985, ông tham gia quá trình mở đường bay TP HCM – Manila (Philippines).

Và ngay trong năm 1985, chuyến bay đầu tiên của Việt Nam Airlines đến Philippines đã được thực hiện. Khi Nhà nước cho phép đầu tư trực tiếp, Johnathan Hạnh Nguyễn liền bắt tay vào nhiều dự án. Đầu tiên là nhà máy xuất khẩu hàng song mây ở Nha Trang. Sau thành công của dự án này, ông tiếp tục kêu gọi các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, sản xuất, lắp ráp ô tô, trung tâm mua bán, như: Khách sạn Nha Trang Lodge; Nhà máy ô tô Hoà Bình…

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP HCM Lê Hoàng Quân trao bằng khen cho kiều bào.

Tính đến nay, ông đã kêu gọi được 18 dự án đầu tư với tổng giá trị lên đến 120 triệu USD, thu hút khoảng hơn 20.000 lao động thường xuyên. Năm 2002, ông thành lập Công ty TNHH Liên Thái Bình Dương (Imex Pan-Pacific), trụ sở tại TP HCM, với số vốn hơn 180 triệu USD, đầu tư trong các lĩnh vực tài chính, siêu thị, địa ốc, khách sạn…

Jonathan Hạnh Nguyễn chia sẻ: "Không đâu bằng quê hương của mình. Tôi luôn dạy các con tôi, mình là người Việt Nam, dù mình sống ở đâu, làm gì thì cũng phải biết cội nguồn. Chính vì thế khi có cơ hội là tôi về quê cùng đóng góp xây dựng quê hương mình giàu đẹp hơn. Tôi cảm thấy hãnh diện hơn khi mình đã làm được một cái gì đó cho quê hương”.

Trong dịp xuân Kỷ Sửu, Uỷ ban nhân dân TP HCM đã trao tặng hai huy hiệu và 8 bằng khen cho kiều bào có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. Đó là các cá nhân: giáo sư Dương Nguyên Vũ (Việt kiều Pháp); tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình (Việt kiều Canada); bác sĩ Nguyễn Xuân Nhung (Việt kiều Đức); bác sĩ Lý Quốc Bằng (Việt kiều Mỹ); tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê (Việt kiều Mỹ); bà Thanh Bình Nguyễn Rybacki (Việt kiều Mỹ); bà Mã Tố Anh (Việt kiều Pháp); bác sĩ Đoàn Huy Hiệu (Viêtk kiều Pháp) và ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Việt kiều Mỹ).

Theo Trần Bế (Đất Việt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *