Bên bờ hạnh phúc

Hà Nội: hàng vẫn bán chạy

Giờ tan học tại trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, học sinh đứng tụ tập từng tốp quanh các hàng quà vặt đủ món như nem chua rán, kem cốc, hoa quả, bánh kẹo… Khi được hỏi, tất cả đều bất ngờ trước thông tin có chất độc trong que cầm của cây kẹo. “Cũng hay mua ăn nhưng chúng em cũng không để ý nguồn gốc của loại kẹo này”, một học sinh nói.

Kẹo phát sáng vẫn bày bán tràn lan tại nhiều cổng trường học. Ảnh: Hoàng Đức.
Bà Lan, chủ gánh hàng rong tại cổng trường, cho hay, do chưa biết thông tin chất độc trong kẹo mút phát sáng nên vẫn bày bán và ngày 26/3, lượng tiêu thụ vẫn bình thường. Theo bà Lan, từ khi xuất hiện, loại kẹo này được học sinh đặc biệt ưa thích vì rất bắt mắt. Trung bình mỗi ngày, bà Lan bán được gần 100 chiếc.

Chị Đào Ngọc Nhiên, ngụ tại phố Hoàng Mai, Hà Nội, phụ huynh cậu con trai 6 tuổi trường Tiểu học Tân Định, lo lắng vì đã thường xuyên mua loại kẹo này cho con ăn. “Tôi mong cơ quan chức năng nhanh chóng phổ biến thông tin, thu hồi khẩn cấp loại kẹo này”, chị Nhiên kiến nghị. Chủ đại lý bánh kẹo số 5 Hàng Giầy cho hay, chưa thấy cơ quan chức năng đến thu hồi nên vẫn bày bán bình thường.
Dạo quanh các trường tiểu học khác ở Hà Nội như Trần Phú, Mỗ Lao (Hà Đông), Thái Thịnh (Đống Đa), Nhân Chính (Thanh Xuân)… và khảo sát tại một số trường học tại nhiều tỉnh miền Bắc như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình… chiều qua, loại kẹo mút phát sáng vẫn được bày bán tại hầu hết các gánh hàng rong quanh cổng trường với giá bán lẻ 2.000 đồng mỗi chiếc.

Thu hồi, tiêu hủy lập tức

“Cục ATVSTP đã chỉ đạo tất cả các địa phương phải tiến hành thu hồi và tiêu hủy ngay kẹo mút phát sáng mà không cần thiết phải tiến hành bất cứ một xét nghiệm nào”, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết chiều 26/3. Ông giải thích, trong que phát sáng có hai chất là Phtalate dung môi kết hợp với Poly aromatic hydrocacbon (PAH) khi trộn với nhau có thêm hiện tượng oxy hóa, tạo ra năng lượng phát sáng trên thân cây kẹo. PAH là một chất cực độc, gây ưng thư, đột biến gen, không được phép có trong thực phẩm, chỉ được dùng trong công nghiệp để pha sơn.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết, cơ quan này vừa yêu cầu phòng y tế các quận, huyện trên địa bàn tăng cường kiểm tra, thu giữ loại kẹo này. Đồng thời, có văn bản gửi Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thông báo kế hoạch để cùng phối hợp rà soát. Ông Cường thông báo: “Đoàn kiểm tra của thành phố sẽ tập trung vào một số khu vực có tính “trọng điểm” như các phố kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, các điểm vui chơi công cộng có đông trẻ em, một số nơi tập trung nhiều trường học… Còn lại, các quận, huyện phải chủ động kiểm tra, phát hiện tại chỗ”.

Chi cục trưởng Quản lý thị trường Hà Nội, Trịnh Văn Ngọc thông tin ngắn gọn với Đất Việt: “Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho đơn vị chức năng, với tinh thần là sẵn sàng, tập trung, quyết liệt”.

Chiều 26/3, những người bán hàng rong quanh trường tiểu học Hồ Văn Huê trên đường Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận, TP HCM cho biết, từ trước đến giờ họ không bán loại kẹo mút phát sáng. Tại công viên Gia Định, các gánh hàng rong tràn ngập đồ ăn, thức uống như cá viên chiên, hột vịt lộn, bánh tráng trộn, sương sáo, trái cây, khoai nướng, bắp luộc… nhưng tuyệt nhiên không xuất hiện mặt hàng bánh kẹo. Tại các tiệm tạp hóa trên đường Hồng Hà, Yên Thế, các chủ tiệm cũng “lắc đầu” khi được hỏi món kẹo mút phát sáng. Tại tiệm tạp hóa số 27A đường Cửu Long, phường 2, quận Tân Bình, khi nghe hỏi mua, chủ tiệm cảnh báo: “Kẹo đó độc lắm, đừng mua. Người ta đã có lệnh thu hồi rồi”.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *