Bên bờ hạnh phúc

5/09, 4:51 pm (THVL) Các ĐBQH cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự

Tiếp tục tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khoá XII, sáng nay (25/5), Quốc hội làm việc tại hội trường để cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự.

Đây là lần thứ hai dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự được Quốc hội cho ý kiến. Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 5 này tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến những vấn đề bức xúc, đang gây trở ngại cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tiến trình hội nhập quốc tế; những vấn đề liên quan đến chính sách hình sự, các chủ trương, quan điểm lớn về cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.

Dự thảo luật lần này giữ lại hình phạt tử hình tại 9 trên 17 điều so với dự luật Chính phủ đã trình Quốc hội. Cụ thể, giữ hình phạt tử hình đối với các tội danh như: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157); Tội phá hoại công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279); Tội chống mệnh lệnh (Điều 316); Tội đầu hàng địch (Điều 322); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341) và Tội phạm chiến tranh (Điều 343). Bỏ hình phạt tử hình tại các tội Hiếp dâm (Điều 111) và Tội hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334). Ngoài ra, dự thảo luật đã bổ sung Điều 230a về Tội khủng bố trong đó quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình. Như vậy, Bộ Luật hình sự đã được bổ sung thêm một điều mới (Điều 230a) có quy định về hình phạt tử hình.

Tại buổi thảo luận, đa số đại biểu đều thống nhất với nội dung điều chỉnh của dự thảo luật. Về việc bỏ hình phạt tử hình đối với tại các tội Hiếp dâm (Điều 111), nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần giữ lại hình phạt tử hình đối với tội danh này để trừng trị nghiêm khắc các hành vi phi nhân tính, xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lại cho rằng mặc dù đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhưng quy định hình phạt tù chung thân đối với tội này là đủ nghiêm khắc và răn đe, phòng ngừa chung. Còn trường hợp người phạm tội hiếp dâm trẻ em, hoặc vừa hiếp dâm, vừa cố ý giết người hặc cướp tài sản thì có thể bị áp dụng hình phạt tử hình về tội hiếp dâm trẻ em (Điều 112), tội giết người (Điều 93), hoặc tội cướp tài sản (Điều 133) v.v…

Về việc bỏ Tội sử dụng trái phép chất ma túy, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bỏ Tội sử dụng trái phép chất ma túy trong Bộ Luật Hình sự cho phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ lại tội danh này trong Bộ Luật Hình sự, vì cho rằng hiện nay tình hình sử dụng trái phép chất ma túy vẫn đang gia tăng, gây tác hại xấu về nhiều mặt của đời sống xã hội và là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm khác như trộm cắp tài sản, cướp tài sản, giết người,… Nếu bỏ tội danh này có thể dẫn tới việc sử dụng ma túy tràn lan và không bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Đối với Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, nhiều ý kiến không tán thành với việc bỏ hình phạt tử hình với loại tội phạm này vì cho rằng vẫn cần phải duy trì hình phạt tử hình để nhằm răn đe, trừng trị tội phạm, nhất là những trường hợp vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuy với số lượng đặc biệt lớn.

Ngoài ra, ĐBQH cũng đã đóng góp nhiều ý kiến đối với một số nội dung quan trọng trong dự thảo luật như: Việc nâng mức định lượng tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội đầu cơ; Tội buôn bán người; Tội giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi; Tội danh liên quan đến lĩnh vực chứng khoán, môi trường v.v…

Chiều nay, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu Trí tuệ.

CTV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *