Bên bờ hạnh phúc

“Bằng mọi nỗ lực cao nhất, mọi giải pháp thích hợp nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành để ngăn chặn bằng được, không để đại dịch cúm A (H1N1) xảy ra ở nước ta”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm ở người, chiều 12-6.

Nỗ lực cao nhất, giải pháp thích hợp nhất

Thủ tướng đánh giá cao những cố gắng của ngành Y tế và các cấp, ngành có liên quan trong việc giám sát, khoanh vùng, không để xảy ra trường hợp nào tử vong do cúm A (H1N1) ở trong nước, trong bối cảnh dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp, có chiều hướng lan rộng ở nhiều nước trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới đã nâng mức báo động lên đại dịch.

Ảnh: Chinhphu.vn

Ở nước ta, mỗi ngày có 27.000 người nhập cảnh, trong đó có hơn 12.000 người đến từ các quốc gia có dịch. Riêng 2 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, mỗi ngày khoảng 5.000 người nhập cảnh, trong đó 2- 3.000 người đến từ vùng có dịch.

Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu: Bằng mọi nỗ lực cao nhất, mọi giải pháp thích hợp nhất, huy động sức mạnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt ngăn chặn bằng được, hạn chế thấp nhất lây lan, không để đại dịch cúm A (H1N1) xảy ra ở nước ta.

“Với trách nhiệm cao nhất đối với sức khỏe nhân dân, đối với tính mạng đồng bào, không để xảy ra đại dịch cúm A (H1N1) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trước mắt của nước ta, đây cũng là đóng góp quan trọng với cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng nói.

Đồng tình với những giải pháp của ngành Y tế và các cấp, các ngành đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian vừa qua, Thủ tướng nêu rõ:

Do dịch diễn biến nhanh, phức tạp nên nhiệm vụ đầu tiên ngành Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm ở người là phải thường xuyên theo dõi sát, cập nhật diễn biến trên thế giới, khu vực và nước ta về cúm A (H1N1). Từ kinh nghiệm, cách phòng chống, điều trị không để lây lan của thế giới, chủ động điều chỉnh và bổ sung kịp thời giải pháp thích hợp.

Thứ hai, ngành Y tế phải cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, có trách nhiệm nhất đối với nhân dân cả nước, để nhân dân, các cấp, các ngành chủ động phòng chống. “Làm sao để mỗi người, mỗi gia đình chủ động, tăng cường phòng chống, thì sẽ ngăn được đại dịch”, Thủ tướng nói thêm, công tác tuyên truyền cần để nhân dân biết rõ tính chất nguy hiểm của dịch, nhưng không chủ quan và hoang mang.

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm trường hợp nhiễm cúm, tiến hành cách ly, điều trị, dập dịch bệnh, không để lây lan.

Thứ tư, phải chuẩn bị đầy đủ nhất cơ sở vật chất để đối phó với những tình huống xấu. Công tác chuẩn bị từ y tế tuyến xã không được chủ quan, cần đồng thời cập nhật và phổ biến rộng rãi phác đồ điều trị trong nhân dân.

Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm ở người cho biết: Đến ngày 11-6-2009 đã có 74 nước, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp cúm A(H1N1) với khoảng 30.000 trường hợp mắc, trong đó đã có 144 trường hợp tử vong. Ngày 11-6-2009, Tổ chức Y tế thế giới đã nâng cảnh báo dịch lên mức độ 6, nghĩa là đại dịch Ở giai đoạn này, đại dịch được xác định là mức độ trung bình.

Tại Việt Nam, đến ngày 12-6, có 24 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), 4 trường hợp xuất viện, không có trường hợp nào tử vong. Những bệnh nhân trên đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, sức khỏe ổn định. Hiện ngành Y tế dự trữ được 11 triệu viên Tamiflu và nguyên liệu để sản xuất 9 triệu viên thuốc phòng chống cúm; trong đó đã phân bổ 400.000 viên Tamiflu cho các tỉnh, thành phố sẵn sàng đáp ứng điều trị cho bệnh nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung, khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A (H1N1).

Theo Chinhphu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *