Bên bờ hạnh phúc

Trong buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặt tất cả lòng tin vào thế hệ trẻ, vào các nhà khoa học trẻ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Sáng 11/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu năm 2015.

Đây là năm đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức sự kiện này. Tham dự buổi gặp mặt có lãnh đạo, đại diện của một số bộ, ngành Trung ương và gần 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu đến từ mọi miền đất nước thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học nông nghiệp, khoa học y dược… 

Buổi gặp mặt là dịp ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các tài năng trẻ, nhà khoa học trẻ đối với sự phát triển của đất nước nói chung và nền khoa học và công nghệ nói riêng. Trên cơ sở đó, khuyến khích, động viên đội ngũ nhà khoa học tiếp tục phát huy đam mê, tinh thần chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế… 

Buổi gặp mặt cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học trẻ.

Ghi nhận, tôn vinh đóng góp của các nhà khoa học trẻ

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong suốt bề dày lịch sử, dân tộc ta luôn trân trọng và khẳng định “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, phát triển, trọng dụng và tôn vinh đội ngũ trí thức.

Mặc dù điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta luôn ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để các nhà khoa học, nhất là đội ngũ các nhà khoa học trẻ phát triển tài năng, sáng tạo, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, khoa học công nghệ đã có những đóng góp rất quan trọng. Trong thời kỳ kháng chiến, nhiều trí thức, nhà khoa học xuất sắc tuổi mới chỉ ngoài 30 như các Giáo sư: Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Lương Định Của… và nhiều nhà khoa học khác đã hăng hái, nhiệt tình đi theo tiếng gọi kháng chiến cứu nước của Bác Hồ, của Đảng, đem hết tâm huyết, tài năng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Từ khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đội ngũ nhà khoa học của cả nước, bằng bản lĩnh, trí tuệ đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, không ngừng nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự thành công của công cuộc Đổi mới của đất nước trên các lĩnh vực. Nhiều phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các nhà khoa học trẻ Việt Nam đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước. Một số nhà khoa học trẻ đã chiếm lĩnh, chinh phục đỉnh cao của khoa học, ghi danh Việt Nam vào bản đồ khoa học của nhân loại như Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đàm Thanh Sơn, Giáo sư Vũ Hà Văn, Nhà thiên văn Lưu Lệ Hằng…

"Khoa học công nghệ, đội ngũ trí thức, các nhà hoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng thông qua hoạt động khoa học công nghệ đã đóng góp rất quan trọng, rất xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng nói chuyện với các nhà khoa học trẻ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Mong muốn các nhà khoa học tiếp tục đóng góp xây dựng đất nước

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương các nhà khoa học trẻ Việt Nam về những nỗ lực, phấn đấu và thành tích đã đạt được và nhấn mạnh Chính phủ luôn mong muốn các nhà khoa học trẻ đem nhiệt huyết, tài năng và niềm đam mê của mình, tiếp tục theo đuổi hoài bão nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, ngày nay, khoa học và công nghệ đang phát triển và được đưa vào ứng dụng rất nhanh, cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như tăng cường tiềm lực an ninh của mỗi quốc gia. Sau 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; chúng ta có nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Để Việt Nam chúng ta sớm ra khỏi nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình và xây dựng nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng và Nhà nước ta đã xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học-công nghệ là một trong ba đột phá chiến lược.

Để tiếp tục phát huy có hiệu quả tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học trẻ và ươm mầm, nuôi dưỡng, lan tỏa niềm say mê khoa học trong thế hệ trẻ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ KH&CN, các bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp cần quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ, có cơ chế, chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả, tạo mọi thuận lợi cho đội ngũ các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu như phải rà soát, hoàn thiện, triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách, nhất là chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, gắn liền với chính sách đào tạo các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành từ các nhà khoa học trẻ. Chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp KH&CN và chính sách khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng KHCN. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trẻ được tiếp cận hỗ trợ từ các quỹ khoa học và công nghệ; được tham gia thực hiện nhiệm vụ trong các chương trình, đề án khoa học của các cơ quan Nhà nước, động viên, tạo điều kiện để các nhà khoa học công nghệ…

Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ; chú trọng hợp tác về đào tạo các nhà khoa học trẻ; thu hút và sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, chuyên gia khoa học và công nghệ học tập và làm việc ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Khuyến khích mạnh mẽ và hỗ trợ hiệu quả các nhà khoa học trẻ thực hiện các hoạt động ươm tạo công nghệ, hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Có hình thức khen thưởng, tôn vinh xứng đáng, kịp thời đối với các nhà khoa học trẻ đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ; chú trọng bồi dưỡng và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến về nghiên cứu sáng tạo của tuổi trẻ. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần đam mê lao động sáng tạo, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, nhất là trong thế hệ trẻ Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: Tương lai của nền khoa học công nghệ nước nhà thuộc về các nhà khoa học trẻ hôm nay. Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn mong muốn và đặt tất cả lòng tin vào thế hệ trẻ, vào các nhà khoa học trẻ trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc và luôn tin tưởng, cùng với lực lượng khoa học công nghệ của cả nước, các nhà khoa học trẻ phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đã đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần tự tôn dân tộc, không ngừng phấn đấu vươn lên để sánh vai với bạn bè thế giới, để đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong các hoạt động khoa học công nghệ, đóng góp ngày càng thiết thực hơn nữa và hiệu quả hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tiến cùng thời đại “sánh vai các cường quốc năm châu” như Bác Hồ kính yêu của chúng ta hằng mong muốn.

Thủ tướng với các nhà khoa học trẻ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Chính phủ tạo điều kiện tốt nhất thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực

Sau khi lắng nghe các báo cáo cũng như tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các nhà khoa học trẻ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp trao đổi với các nhà khoa học trẻ về nhiều chính sách nhằm tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng sáng tạo của giới khoa học, khẳng định  “Chính phủ sẽ làm hết sức mình và với trách nhiệm cao nhất để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ”. 

Thủ tướng cũng đánh giá cao những công trình nghiên cứu, những sản phẩm sáng chế có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với đời sống, xã hội trên các lĩnh vực của các nhà khoa học trẻ, trong đó có sáng chế kính thông minh “Mắt thần” (Haptic Eyes) của TS. Nguyễn Bá Hải đến từ Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. 

Kính thông minh “Mắt thần” là một loại kính điện tử gọn nhẹ, trong một khoảng cách nhất định được lập trình sẵn, kính sẽ nhận diện các vật cản trái phải, trên dưới, đứng yên hay di động; sau đó, thiết bị sẽ báo rung cho người sử dụng biết để chọn hướng đi an toàn, hỗ trợ người dùng dễ dàng hơn trong hòa nhập cuộc sống. Được biết, TS. Nguyễn Bá Hải đã từ chối việc thương mại hóa sản phẩm này và mong muốn phân phối sản phẩm tới người mù với giá gốc, không lấy lời.

Sau khi nghe TS. Nguyễn Bá Hải trình bày dự án cũng như tìm hiểu rõ về thiết bị "mắt thần", về khó khăn khi thành lập doanh nghiệp với mục tiêu phi lợi nhuận phục vụ người khiếm thị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hỏi TS. Nguyễn Bá Hải  về số tiền cho chương trình này.

Trả lời câu hỏi của Thủ tướng, TS. Nguyễn Bá Hải cho biết ở Việt Nam hiện có khoảng 1,2 triệu người khiếm thị, trong đó có khoảng 300.000 người mù. Mục tiêu của chương trình là tặng kính cho người mù. Giá thành sản phẩm còn phụ thuộc vào quy mô sản xuất, vì vậy cần tính toán cụ thể.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bí thư Trung ương Đoàn chủ trì phối hợp với TS. Nguyễn Bá Hải lập đề án cụ thể cung cấp thiết bị hỗ trợ người mù do chính người Việt Nam sản xuất. 

Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho đề án này.

Những năm qua, thành tựu KH&CN của Việt Nam đạt được có sự đóng góp quan trọng của các nhà khoa học trẻ. Các nhà khoa học trẻ đã thể hiện được nhiệt huyết và sức mạnh của tuổi trẻ, nỗ lực vươn lên, say mê nghiên cứu sáng tạo để có được những sản phẩm KH&CN có giá trị.

Đội ngũ các nhà khoa học trẻ ngày càng thể hiện vai trò là lực lượng nòng cốt và tiên phong trong hoạt động nghiên cứu và sáng tạo, có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển KH&CN của đất nước. Nhiều nhà khoa học trẻ đã được giao chủ trì những công trình khoa học lớn, tạo ra sản phẩm có giá trị với hàm lượng công nghệ cao, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế-xã hội. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ Việt Nam đã được giải thưởng KH&CN danh giá ở nước ngoài, được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế, góp phần làm rạng danh trí tuệ Việt Nam.

Đội ngũ các nhà khoa học trẻ đã trở thành lực lượng tiên phong trong tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới; là nhân tố quan trọng trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt trong việc tiếp cận các phương pháp nghiên cứu hiện đại, phát triển hướng nghiên cứu mới; là đội ngũ năng động trong hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo ra những sản phẩm KH&CN đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và xã hội.

Trong số các nhà khoa học trẻ, nhiều người là tác giả của nhiều sáng chế, chủ nhân giải thưởng khoa học công nghệ uy tín quốc gia và quốc tế. Riêng lĩnh vực kinh tế đã tiết kiệm và làm lợi rất lớn cho cơ quan Nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp hàng tỉ đồng.

Chẳng hạn, kỹ sư Phạm Gia Vinh đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy bay không người lái; kỹ sư Lê Văn Huyên với 11 sáng kiến, giải pháp giúp Tổng công ty Viễn thông Mobifone tiết kiệm hàng chục tỉ đồng chi phí đầu tư; kỹ sư Lưu Mạnh Hà, người đã có 25 sáng kiến ý, tưởng được công nhận, làm lợi cho Tập đoàn Viettel hàng trăm tỉ đồng.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tạo điều kiện phát triển, thu hút và trọng dụng các nhà khoa học trẻ.

Trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, Bộ KH&CN đã luôn nỗ lực đổi mới để tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động  nghiên cứu khoa học và mở ra nhiều cơ hội cho các nhà khoa học trẻ bằng việc xây dựng nhiều cơ chế, chính sách để đổi mới quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN. Đặc biệt năm 2008, Bộ đã đưa Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (Nafosted) vào hoạt động để hỗ trợ, tài trợ cho các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ triển khai nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, công bố quốc tế, tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế, thực tập ngắn hạn ở nước ngoài… 

Sau 7 năm hoạt động, Nafosted đã tạo được những bước chuyển biến tích cực trong đổi mới phương thức tổ chức, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, số nhà khoa học trẻ chủ trì các đề tài của Nafosted tăng nhanh từ 5% năm 2009 lên 60-70% năm 2013-2014.

Nguồn: Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *