Bên bờ hạnh phúc

Thành lũy dài khoảng 200 km, trải dài qua nhiều sông, suối, núi rừng từ huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đến An Lão (Bình Định), cao 5m, chân đáy có nơi rộng 6m, bề mặt rộng 3m với hàng trăm đồn bảo xếp bằng đá.

Sáng nay Viện Khoa học xã hội Việt Nam và trường Viễn đông Bác cổ Pháp (Hà Nội) công bố tại Quảng Ngãi kết quả nghiên cứu trường lũy này sau suốt 5 năm dài nghiên cứu.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Viện khảo cổ học Việt Nam cho biết, trường lũy được dựng hơn nửa thiên niên kỷ trước do cư dân người Việt, người H’re bản địa và binh lính chung sức xây. Đến thế kỷ 19, thành được đắp thêm, gia cố chắc chắn, giữ vai trò là một công trình quân sự. Có một con đường cổ chạy dọc theo thành lũy là một phần đường thiên lý nối các tỉnh phía Nam.

Các nhà khảo cổ đang nghiên cứu, khai quật trường lũy 500 tuổi. Ảnh: Trí Tín

Trường lũy này còn khá nguyên vẹn với hàng trăm đồn bảo mang tính chất mở chứ không đóng kín. Bên cạnh mục đích phòng vệ, giữ vai trò quân sự, qua những hiện vật gốm cổ khai quật được, lũy còn mang tính chất thông thương giữa vùng biển với vùng cao, thậm chí ảnh hưởng rộng ra nhiều khu vực lân cận. Mỗi đồn bảo dọc theo thành lũy ví như những “trạm hải quan” kiểm soát sự thông thương, trao đổi mua bán hàng hóa giữa các vùng miền.

"Từ những hiện vật gốm khai quật được ở khu vực cận kề trường lũy, thật bất ngờ trong cuộc Nam tiến xa xưa không chỉ có cộng đồng người Việt mà còn có cả người Thái, Mường từ phía Bắc di cư vào", Tiến sĩ Đông nói.

Theo ông Đông, từ thở xa xưa đồng bào dân tộc H’re ở Quảng Ngãi đã là một mắc xích quan trọng trong con đường trao đổi thương mại trên cao nguyên và tới cả vùng sông Mekong của Lào. Đặc biệt, trường lũy và con đường cổ thuộc địa phận huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, sau này được sử dụng như những nhánh của đường mòn Hồ Chí Minh trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện nét tương đồng của nghệ thuật xếp đá trường lũy giống hệt với nghệ thuật xếp đá trên ruộng tỏi và dọc ven biển của cư dân huyện đảo Lý Sơn.

Chuyên gia khảo cổ học Christopher Young, Hội đồng di sản Anh bộc bạch: “Công trình này có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu cộng đồng các dân tộc khác nhau ở Việt Nam. Điều cốt yếu nhất bây giờ là bảo vệ cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ của công trình và đề cử thành lũy trở thành di sản của quốc gia. Sau đó kiến nghị tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới".

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia khẳng định: “Vấn đề bức thiết đặt ra là làm sao phải bảo tồn ngay trường lũy, nếu không thì công trình sẽ bị xâm hại, san bằng". Giáo sư Lê đề nghị, cần sớm lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh, quốc gia để tạo hành lang pháp lý bảo tồn công trình theo luật di sản.

Lãnh đạo Cục di sản văn hóa đã đi khảo sát bờ lũy ở Quảng Ngãi, lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công nhận trường lũy là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *