Bên bờ hạnh phúc

Xét về tổng thể, còn tới 8/11 mục tiêu của chương trình 135 chưa đạt được, trong đó có các mục tiêu về tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ kiên cố hoá trường học…

Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn. Nếu thực hiện theo chuẩn nghèo mới hoặc bị ảnh hưởng thiên tai, mất mùa thì tỷ lệ hộ nghèo vùng sẽ trở lại rất cao.

Đó là đánh giá của Báo cáo giám sát việc thực hiện xoá đói giảm nghèo qua chương trình 135, giai đoạn II (2006 – 2010) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.

Theo báo cáo giám sát này, từ năm 2006 – 2010, tổng kinh phí đã đầu tư cho chương trình 135 giai đoạn II là trên 14 ngàn tỷ đồng. Trong 4 năm đã có 113 xã hoàn thành cơ bản mục tiêu ra khỏi chương trình…

Tuy nhiên, xét tổng thể, còn tới 8/11 mục tiêu của chương trình chưa đạt được, trong đó có các mục tiêu về tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ đạt mức thu nhập bình quân đầu người 3,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ kiên cố hoá trường học…

Cũng theo báo cáo giám sát, đến cuối năm 2009, ở một số tỉnh vẫn còn một số xã có tỷ lệ nghèo cao như: Tuyên Quang (trên 42%), Lạng Sơn (49%), Điện Biên (50%), Quảng Bình (trên 49%)…

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng cho rằng, ngân sách hạn chế cùng việc rải đều cho 1850 xã và 2500 thôn khiến cho hiệu quả của chương trình còn hạn chế. Ông đề xuất, mỗi năm có thể tập trung vào một số xã để các xã này có thể bứt lên (chẳng hạn 200 – 300 xã).

“Mỗi năm một xã được 400 triệu đồng cho hạ tầng, nhưng làm được một đoạn đường, sau mưa lũ lại trôi đi. Mỗi năm ném ra vài trăm triệu không đáng gì cả, rồi lại về số 0”, ông Vượng phân tích.

Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai băn khoăn với việc, các tỉnh miền núi giảm nghèo được 4%, trong khi các tỉnh đồng bằng chỉ giảm được 2%. “Phải chăng càng các tỉnh khó khăn càng giảm nghèo nhanh”, bà Mai nêu vấn đề.

Cũng theo bà Mai, có thực tế, nhiều nơi giảm nghèo nhanh, nhưng tái nghèo cũng nhanh. Chính vì vậy, bà Mai cho rằng, kinh tế có thể đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh, nhưng giảm nghèo không nên nhanh mà cần hơn là sự bền vững.

Một vấn đề khác được quan tâm trong báo cáo giám sát là hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Trung ương và địa phương. Cụ thể, trong 1748 xã do ngân sách Trung ương đầu tư chỉ có 86 xã đã ra khỏi chương trình 135, chiếm 4,9%. Trong khi đó, có tới 27/66 xã do ngân sách địa phương đầu tư đã ra khỏi chương trình này, chiếm tỷ lệ 40,5%.

Báo cáo giám sát cho rằng, đây là vấn đề lớn cần được nghiêm túc xem xét đánh giá sau khi kết thúc chương trình. Nhiều phát biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo ông Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ, tại các tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn, nguồn đầu tư cho mỗi xã 135 rất lớn (Hà Nội có thể lên tới cả trăm tỷ, còn các tỉnh Bình Dương, Vũng Tàu cũng khoảng 10 – 30 tỷ đồng).

Trong khi đó, ngân sách Trung ương rót cho các xã bình quân chỉ đạt 1 triệu đồng một xã nên hiệu quả không thể bằng các tỉnh trên.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *