Bên bờ hạnh phúc

Đúng 9h15 sáng nay (20/5), kỳ họp thứ 5,Quốc hội khóa XII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Chương trình làm việc lần này của Quốc hội sẽ kéo dài trong vòng một tháng với nhiều nội dung quan trong liên quan đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.

Trong diễn văn khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến những khó khăn mà chúng ta gặp phải kể từ kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XII đến nay như tình hình kinh tế thế giới vẫn suy giảm, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi, khó lường và chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại. Ở trong nước, do chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới, các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư, giải quyết việc làm, thu ngân sách… gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực. Những khó khăn về sản xuất, việc làm, đời sống của nhân dân đang từng bước được tháo gỡ. Nhóm giải pháp tài chính và nhóm giải pháp kích cầu được đưa ra kịp thời bước đầu có tác dụng tích cực. Tốc độ tăng GDP quý I đạt 3,1%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát tiếp tục được kiềm chế; các cân đối lớn cơ bản được giữ vững; sản xuất nông nghiệp phát triển thuận lợi; sản xuất công nghiệp và xây dựng bắt đầu tăng dần qua các tháng; cán cân thương mại và thanh toán đã cân bằng ở mức thặng dư; các loại thị trường, dịch vụ đang dần hồi phục. “Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều nước tăng trưởng âm, thì những kết quả đạt được của nước ta như vậy là rất đáng khích lệ” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, hầu hết các chỉ tiêu trong quý I năm 2009 đều đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ nhiều năm trước. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quốc hội, Chính phủ và các ngành, các cấp trong giai đoạn từ nay đến cuối năm là ngăn chặn suy giảm kinh tế. Bởi theo dự báo từ nay đến cuối năm 2009, tình hình kinh tế thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp. Những khó khăn, yếu kém trong nước và những tác động tiêu cực từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu còn tác động rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội nước ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực đặt ra mục tiêu từ nay đến cuối năm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh,kỳ họp thứ 5 của Quốc hội có rất nhiều nội dung quan trọng do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục cải tiến phương pháp, cách thức. Muốn vậy, cùng với việc nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan và các cơ quan giúp việc của Quốc hội thì việc phát huy cao nhất trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội là cực kỳ quan trọng.

Sau diễn văn khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng nguyễn Sinh Hùng đã trình bày báo cáo của chính phủ về chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Tiếp đó, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đọc báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Bốn nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII

Trong bài phát biểu khai mạc của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng nêu bốn nhiệm vụ trong tâm mà Quốc hội phải tập trung xem xét, giải quyết trong kỳ họp này là: Xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2009; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007; cho ý kiến về đề án đổi mới cơ chế tài chính của Giáo dục đào tạo giai đoạn 2009 – 2014; xem xét và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Kỳ họp này Quốc hội cũng thảo luận và thông qua 12 dự án luật và 01 nghị quyết. Đó là: Luật quản lý nợ công, Luật lý lịch tư pháp; Luật bồi thường nhà nước; Luật quy hoạch đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật quản lý thuế; và Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.

Cho ý kiến về 6 dự án Luật khác. Đó là: Luật người cao tuổi; Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật viễn thông; Luật tần số vô tuyến điện; Luật cơ yếu; Luật dân quân tự vệ.

Quốc hội xem xét các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; và một số báo cáo chuyên đề khác.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, Xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện di dân tái định cư dự án thủy điện Sơn La; các báo cáo giám sát chuyên đề thuộc lĩnh vực do Hội đồng dân tộc và các Ủy ban thực hiện; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo Anh Thi (VnMedia)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *