Bên bờ hạnh phúc

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở tỉnh Thái Nguyên, mẹ mất sớm, cầm cự hết lớp 11, anh Thắng phải lao vào đời kiếm sống bằng đủ thứ nghề và cuối cùng anh chọn cho mình cái nghề thợ hồ đầy nhọc nhằn, vất vả. Đến tỉnh Bình Phước lập nghiệp năm 2004, hơn một năm sau anh Thắng bén duyên và cưới chị Điểu Thị Mai làm vợ. Khi cuộc sống gia đình tạm ổn, giữa năm 2009, anh mở một lớp học tình thương miễn phí tại nhà, với mong muốn dạy dỗ các em người đồng bào các dân tộc thiểu số độ tuổi từ 6 đến 23 biết đọc biết viết. Mặc dù không được trau dồi nghiệp vụ sư phạm nhưng anh Thắng luôn bám theo chương trình giáo khoa ở trường. Tùy vào “vốn” kiến thức của các em anh Thắng chọn ra phương pháp dạy cho phù hợp.

Thầy Thắng và các em học sinh lớp học tình thương.

Lớp học của anh Thắng cũng chẳng giống ai. Đó là một ngôi nhà tạm bợ, mái lợp tôn cũ (xin của người khác), xung quanh được che bằng những tấm bạt đơn sơ. Ấy vậy mà ngay từ khi mở lớp học, anh Thắng đã phải dùng khoản tiền tiết kiệm của gia đình để trang bị cho các em. Nào là bàn ghế, sách vở đến đồ dùng học tập hết hơn  6 triệu đồng. Ngôi trường mọc lên nơi heo hút nên cũng chẳng lấy đâu ra điện vì thế anh Thắng phải dùng bình ắc quy để thắp sáng cho các em học tập. Các em được học vào tất cả các buổi tối trong tuần, thường từ 18 giờ đến 21 giờ, riêng thứ 5, thứ 7 các em được học cả ngày. 

Động lực nào khiến anh gắn bó với các em? “Mình đã vận động được phụ huynh trong thôn ấp cho các cháu bớt ra việc rẫy, việc nhà để đến lớp học”, anh Thắng tâm sự. Ngày ngày anh Thắng vẫn thường đưa rước các em đi về. Nhiều lúc mệt mỏi lắm nhưng cứ nghĩ đến ánh mắt trẻ thơ và tiếng cười nói vui vẻ đánh vần, đọc số anh lại có thêm động lực để tiếp tục công việc gieo chữ.

Thầy giáo như mẹ hiền

Mặc dù thu nhập hàng tháng ít ỏi (khoảng 2,5 triệu đồng một tháng) nhưng anh Thắng luôn dành một khoản nhất định để lo bữa ăn cho các em trong các buổi thứ 5 và thứ 7 hằng tuần. Thương chồng, chị Điểu Thị Mai, vợ anh Thắng không nề hà bất cứ việc gì để chồng có thời gian dạy dỗ các em. “Chúng tôi coi bọn trẻ như con em mình nên không nghĩ đến chuyện tiền bạc, quan trọng là chúng được học cái chữ. Ở nhà, bọn trẻ phải ăn khoai, mì thay cơm, bởi điều kiện của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều thiếu thốn”, chị Mai nói.

Chi phí bình quân cho một bữa ăn của cả lớp học hơn 100.000 đồng. Với điều kiện của anh Thắng, chị Mai thì khoản tiền đó không hề nhỏ.

Buổi sáng khi anh đi đón các em tới lớp học thì chị cũng tranh thủ đi chợ mua rau, cá về bếp núc cho kịp giờ ăn trưa. Trong lớp học tình thương của anh Thắng có đến 60% em mồ côi cha hoặc mẹ, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Điểu Ken, 13 tuổi trước đây 24 chữ cái cũng chưa hề biết vậy mà qua lớp học tình thương, bằng sự dạy dỗ của anh Thắng nay đã đọc được cả báo. Điểu Ken hồn nhiên: “Cháu rất muốn đến lớp học vì được ăn ngon hơn ở nhà và được học chữ. Biết chữ sau này cháu sẽ ra ngoài đi làm, cháu cũng muốn được làm thầy giáo giảng bài như thầy Thắng”. Những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên trên khuôn mặt dính đầy bụi bẩn, dễ hiểu các em đã phải bươn chải trong cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn.

Ngoài việc nuôi dưỡng 2 đứa con mình (lớn 6 tuổi, nhỏ 3 tuổi) anh Thắng còn nhận nuôi 3 cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Khả năng kinh tế đến đâu vợ chồng tôi nuôi đến đó. Các cháu đang tuổi ăn tuổi học mà sớm phải chịu thiệt thòi nên chúng tôi tâm nguyện sẽ giúp để các cháu có cái chữ sau này bớt khổ vào thân”, anh Thắng cười hiền, nói.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *