Bên bờ hạnh phúc

Bế mạc chiều 13/01 sau 9 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng( khóa X) đề ra nhiệm vụ từ nay cho đến hết nhiệm kỳ: Chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Tại Hội nghị, BCH TƯ đã kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng trong nửa đầu nhiệm kỳ (2006 – 2008); 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Phát huy nội lực là chủ yếu, đồng thời tranh thủ ngoại lực. Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản.

Hội nghị đánh giá những kết quả đạt được thời gian qua còn thấp so với tiềm lực của đất nước. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chậm cải thiện; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá chậm.

Huy động và sử dụng các nguồn lực vào phát triển kinh tế – xã hội còn hạn chế, hiệu quả thấp; việc đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể và xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới.

Ngoài nhận định, cho rằng những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường chậm được tăng cường, Hội nghị cũng nhấn mạnh hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực văn hoá, xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo… Công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, tình hình tư tưởng, an ninh nội bộ còn có biểu hiện phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định chính trị – xã hội. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở còn yếu. Kết quả cải cách hành chính, đấu tranh chống tệ quan liêu, phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế.

Ban Chấp hành Trung ương đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế; phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế, văn hoá – xã hội; bảo vệ tài nguyên, môi trường; củng cố quốc phòng – an ninh, phát triển quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát huy dân chủ xã hội.

Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng là: Ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường củng cố, phát triển những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế; củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị – xã hội.

Nhận định việc triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 3, khóa 8 về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", BCH TƯ thừa nhận còn nhiều khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ vẫn diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và xử lý kịp thời. Chất lượng đội ngũ cán bộ còn nhiều yếu kém, bất cập; cơ cấu đội ngũ cán bộ vẫn mất cân đối, thiếu đồng bộ, chưa hợp lý.

Yêu cầu đặt ra là đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục có kết quả những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ; tăng cường công tác giáo dục, quản lý cán bộ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng bộ máy và con người làm công tác tổ chức, cán bộ. Ban Chấp hành Trung ương đã ra Kết luận về việc tiếp tục thực hiện "Chiến lược công tác cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".

Nhận định các cơ quan báo chí và truyền thông đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhưng BCH TƯ cho rằng công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức vụ, quyền hạn còn yếu kém; nhiều vụ án tham nhũng còn xử lý chậm. Hoạt động của Ban Chỉ đạo và bộ phận giúp việc ở nhiều địa phương còn lúng túng.

Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức gây bức xúc trong nhân dân. Do đó, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, kỷ cương, liêm chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, lãng phí.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế thế giới diễn biến hết sức phức tạp, yêu cầu phát triển ổn định, vững chắc của đất nước đòi hỏi phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, quy hoạch, kế hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Phải dựa vào nội lực, phát huy nội lực là chủ yếu, đồng thời tranh thủ ngoại lực, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

"Phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực kinh tế và xã hội. Phải quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng đúng với vai trò then chốt của công tác này", Tổng Bí thư nói.

Về kinh tế, Tổng Bí thư yêu cầu phải xây dựng và thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, chủ động phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý. Cải thiện môi trường kinh tế, đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư kêu gọi mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, doanh nghiệp và mọi người phát huy lòng yêu nước, tiếp tục phấn đấu vươn lên tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đoàn kết một lòng đưa đất nước tiến lên. Ông đề nghị mỗi ủy viên Trung ương, mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức trách nhiệm, chăm lo thật tốt Tết cho nhân dân, để nhà nhà đều có Tết.

Theo TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *