Bên bờ hạnh phúc

Về xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh hỏi thăm người y sĩ chuyên khám chữa bệnh cho người nghèo, người già cả neo đơn… ai cũng biết. Đó là y sĩ Phan Trọng Mưu – người suốt mấy mươi năm đem tài đức cống hiến cho mảnh đất quê hương.

“Giúp bà con phần nào hay phần đó”

Tháng 8/1966, theo tiếng gọi của Tổ Quốc, chàng trai Phan Trọng Mưu lên đường nhập ngũ và được học ngành y trong quân đội. Chiến tranh qua đi, ông trở về quê nhà, vừa làm Phó bí thư trực Đảng ủy kiêm trưởng công an xã, vừa khám bệnh giúp dân. Năm 1992, ông tiếp nhận vị trí trạm trưởng trạm y tế xã Thạch Trung.

Hơn 10 năm công tác tại trạm y tế xã, ông luôn nhận được sự tin tưởng, kính trọng của bà con nhân dân; góp phần quan trọng trong công tác bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ y tế trẻ của trạm y tế xã.

Y sĩ Mưu hàng ngày đạp xe đến từng nhà bệnh nhân thăm khám bệnh.

Cuối năm 2003, ông thôi làm trạm trưởng. Với ông, nghỉ hưu không có nghĩa là tự cho mình nhàn rỗi, người bệnh đau yếu tìm đến nhà ông vẫn tận tình khám và điều trị. Đặt lương tâm của người thầy thuốc lên hàng đầu, ông luôn quan niệm: trước ơn, sau ích. Cảm phục tài năng và đức độ của ông, bệnh nhân tìm đến điều trị ngày một đông.

Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân các vùng xa cũng tin tưởng tới nhờ ông chữa bệnh. Ông tâm sự: “Bệnh nhân đến với tôi thường là những người có hoàn cảnh đặc biệt, một là đi lại không được, hai là điều kiện kinh tế khó khăn. Ai không đi được thì tôi đến tận nhà khám bệnh. Tôi không bao giờ lấy tiền khám. Mình đang có sức, được Đảng, Nhà Nước cho ăn học, mình giúp bà con được phần nào hay phần đó”.

“Lương y như từ mẫu”

Là thương bệnh binh, mất 61% sức khỏe nhưng ông vẫn gắng hết mình khám chữa bệnh cho bà con. Hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề y cho ông thấy: muốn điều trị nhanh chóng và có hiệu quả, phải theo dõi chặt bệnh nhân, chẩn đoán bệnh sâu sát, tỉ mỉ từ đó đi đến sử dụng loại thuốc phù hợp. Với phương châm ấy, những bệnh nhân ông nhận điều trị, ông đều xuống tận nơi để theo dõi tiến triển trước và sau khi dùng thuốc.

Vất vả nhất là số người mắc bệnh nặng phải túc trực thường xuyên, dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, cứ nhận được tin báo của người nhà bệnh nhân là ông lập tức đi ngay. Để tiết kiệm chi phí thuốc men cho người bệnh, ông luôn cố gắng theo sát bệnh nhân. Sáng, ông tới khám cho đơn thuốc, chiều và tối ông lại lui tới kiểm tra. Nếu thấy bệnh nhân không đỡ, hôm sau ông cho sử dụng loại thuốc khác, tránh tình trạng kê đơn thuốc dài ngày, bệnh không thuyên giảm mà lại tốn kém.

Gian nan là vậy, song ông luôn vui vẻ, tình nguyện giúp đỡ bà con với cả tấm lòng nhân ái. Bệnh nhẹ ông khám và kê đơn, bệnh nặng ông hướng dẫn bà con lên tuyến trên chụp phim và làm các xét nghiệm cần thiết. Nhờ sự chẩn đoán chính xác của ông, nhiều bệnh nhân đã được cứu chữa kịp thời.

Ngoài việc đoán đúng bệnh, bốc đúng thuốc, phương pháp điều trị ông còn kết hợp các hình thức xoa bóp, massage, châm cứu, khuyến khích bệnh nhân vận động nhẹ nhàng, tập thể dục thể thao, ăn uống điều độ. Ở tuổi 63, ông vẫn chăm chỉ cập nhật thêm thông tin y tế hiện đại để công tác khám chữa bệnh tiên tiến và hiệu quả hơn.

Ngoài việc khám chữa bệnh, ông còn quán xuyến thêm công việc của một công an viên, chi hội trưởng chi hội nông dân xóm cùng 5 sào ruộng và vườn cây trái. Ông bộc bạch: “Đi xa thì hơi mệt nhưng thấy người ta cần mình giúp đỡ, ông cũng không đành lòng từ chối. Thương nhất là các cụ ông, cụ bà đau yếu lâu ngày, đi lại khó khăn, đi viện thì tốn tiền trăm, bạc triệu gia cảnh nông dân lại nghèo khó”.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *