Bên bờ hạnh phúc

Hai chiếc canô đầu tiên của lực lượng biên phòng với sự có mặt của Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu tiếp cận vùng tâm lũ chỉ mang theo được 20 thùng mì tôm nên việc phân phát cứu trợ rất hạn chế. Canô gặp nhiều chiếc xuồng của người dân lao ra nhưng không đủ mì tôm để phát nên nhiều xuồng bơi ra lại phải bơi vào. Hầu hết các căn nhà đều bị ngập tới nóc.

Đoạn quốc lộ 1A đi ngang hai huyện Điện Bàn, Quế Sơn đã bị ách tắc. Đoàn xe ách tại đây kéo dài khoảng 30 km. Ca nô, thiết giáp của quân đội đã được huy động. Tuy nhiên, việc tiếp cận vùng lũ rất khó khăn vì vùng lũ quá rộng, mức nước quá cao. Số phận người dân chưa thống kê được.

Canô lao đi, phóng viên nghe thấy nhiều tiếng kêu của người dân từ các ngôi nhà nước ngập lút mái. Nước quá xiết khiến canô không thể ghé vào được, người dân cũng không chèo xuồng ra được. Sóng điện thoại rất chập chờn. Với sức lũ như vậy, người dân bị cô lập hoàn toàn. Phải đến chiều phóng viên Viễn Sự mới chuyển được ảnh về tòa soạn.

Canô đang tiếp tục chạy sâu vào tâm lũ trên sông Ly Ly, một nhánh của sông Thu Bồn.

Tại Đà Nẵng, thông tin phóng viên Hữu Khá báo về là bão phá tan từng con đường, góc phố. Sáng 30-9, TP Đà Nẵng vẫn còn bị cúp điện trên diện rộng. Việc sinh hoạt của người dân gặp vô vàn khó khăn sau bão.

Trên đường phố, cây cối đổ la liệt làm cho việc lưu thông ách tắc nhiều nơi. Đêm 29-9, một đầu mố cầu Phú Lộc trên tuyến đường ven biển Liên Chiểu – Thuận Phước bất ngờ bị sập nên từ sáng sớm chính quyền địa phương đã ra lệnh cấm người dân đi lại trên tuyến đường này.

Tại các cửa hàng tạp hóa, vật liệu xây dựng, người dân chen nhau mua những loại hàng hóa về dự trữ hoặc sửa chữa lại nhà bị bão tàn phá. 9 giờ sáng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thị sát huyện Hòa Vang, nơi bị ngập lụt nặng nhất TP Đà Nẵng.

Trưa 30-9, phóng viên Hà Linh tại Thừa Thiên – Huế thông báo có gần 80.000 căn nhà hiện đang chìm trong nước lũ. Đến sáng tỉnh này vẫn còn mưa trên diện rộng, nước từ thượng nguồn tiếp tục ồ ạt đổ về uy hiếp các xã vùng hạ lưu. Mực nước trên sông Hương vượt báo động III hơn 0,5m, sông Ô Lâu trên báo động III hơn 1m, lượng mưa ở Khe Tre (Nam Đông) là 846mm, Tà Lương (A Lưới) là 679mm.

Toàn tỉnh đã có 7 người chết, 23 người bị thương, 151 nhà bị sập hoàn toàn, 2308 căn nhà và trường học bị tốc mái. Trong đó, huyện Phú Lộc chịu thiệt hại nặng nề nhất với 732 nhà bị lũ cuốn trôi và tốc mái, 103 trường học bị tốc mái.

Đến trưa, gần 80.000 căn nhà ở bảy huyện, thị vẫn đang ngập chìm trong nước lũ, ngập trung bình từ 0,5 đến 1m.

Riêng xã Phú Thanh (huyện Phú Vang) bị ngập 100%, có nơi ngập sâu 1,5m. Xã Phú Thanh vẫn bị cô lập hoàn toàn, UBND huyện Phú Vang đang nỗ lực để đưa hàng cứu trợ vào nhưng chưa tiếp cận được vì nước lũ vẫn đang chảy xiết.

Trao đổi qua điện thoại, ông Hậu – Chủ tịch UBND xã Phú Thanh cho biết: “Xã đã di dời hơn 200 hộ dân vùng ven sông lên vùng trú ẩn an toàn. Lương thực và nước uống vẫn có thể dùng trong hai ba ngày nữa. Hiện nước sông Hương vẫn đang tràn qua toàn xã và chảy xiết. Điện đã bị cắt từ hai ngày nay”.

Tuyến quốc lộ 49 đi huyện miền núi bị sạt lở ngiêm trọng. Công ty Quản lý đường bộ tỉnh đang khắc phục nhưng đến trưa vẫn chưa thể thông xe. Tuyến đường Hồ Chí Minh vẫn bị ách tắc hoàn toàn do sạt lở ở xã Hồng Bắc (huyện A Lưới) chưa khắc phục được. Các tuyến đường về các xã ngập trũng của huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền vẫn bị ngập sâu 1m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn.

Tính đến sáng 30-9, Thừa Thiên-Huế đã di dời được gần 14.000 hộ với gần 67.000 khẩu đến nơi trú ẩn an toàn. Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và đối phó với lũ vẫn đang được triển khai khẩn trương.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *