Bên bờ hạnh phúc

Khoanh tay nhìn đàn heo chết?

"Với công tác chống dịch heo tai xanh hiện nay, gần như chúng ta đang sử dụng tay không". Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát nói tại cuộc họp chiều nay 13.8. Ông cũng kêu gọi nên tiêu thụ thịt heo bình thường.

“Có thể nói, với công tác chống dịch heo tai xanh hiện nay, gần như chúng ta đang sử dụng tay không. Chúng ta chỉ biết có hô hào, chỉ có một ít thuốc sát trùng với vôi bột!”, bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận như vậy trong hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tai xanh khu vực phía Nam, diễn ra chiều 13.8 tại TP.HCM. Các địa phương cũng phản ánh, bây giờ việc cứu đàn heo là vô phương, chỉ còn biết khoanh tay nhìn heo chết…

Chưa có vaccine trị dịch tai xanh

Trong cuộc họp chiều nay 13.8, đích thân bộ trưởng Cao Đức Phát (giữa) đã phát động ăn thịt heo nhằm cổ vũ tiêu thụ thịt heo. Theo ông Phát, heo chưa bị bệnh có thể ăn bình thường. Ảnh: Văn Bảy

Theo thống kê của Cục thú y, tính đến chiều 13.8, cả nước đã có 21 tỉnh phát dịch heo tai xanh trên tổng đàn trên 148 ngàn con, trong đó số heo mắc bệnh khoảng 121 ngàn con, tiêu hủy trên 35 ngàn con. Cục này đánh giá diễn biến dịch tai xanh tại các tỉnh Nam bộ đang hết sức phức tạp. Dịch ở Sóc Trăng, Tiền Giang, Đăk Lăk đã lan ra diện rộng. Các biện pháp phòng chống hiện nay quá thụ động, chỉ mang tính cơ học, trong khi giải pháp căn cơ là sử dụng vaccine đến nay đều không mang lại hiệu quả.

Ông Nguyễn Tùng, phó giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương, Cục thú y cũng khẳng định: đến thời điểm này, chưa có loại vaccine nào trị virus heo tai xanh. Nghĩa là, người dân tự ý mua vaccine ở đâu đó tiêm thì heo vẫn cứ chết. “Cục thú y không có khuyến cáo nào về sử dụng vaccine. Trên thế giới cũng khuyến cáo sử dụng vaccine tai xanh không mang lại hiệu quả”, ông Tùng khẳng định.

Như vậy, kể từ khi phát hiện ổ dịch tai xanh lần đầu tiên tháng 3.2007, sau bốn năm dịch heo tai xanh hoành hành (năm nào cũng có-PV), đến nay chưa có một loại vaccine nào sử dụng ở Việt Nam có thể ngăn ngừa hiệu quả bệnh tai xanh.

Trong khi đó, Cục thú y thống kê các đợt dịch tai xanh xảy ra từ 2007 đến nay, tỷ lệ chết bình quân heo nái là 9,46%, heo thịt 63,96%, heo con 26,57%. Kết quả phân tích type virus gây bệnh sau khi gửi đi Hàn Quốc giải mã gen cho thấy tất cả đều thuộc nhóm virus PRRS có độc lực cao ở Trung Quốc phát hiện năm 2006. So sánh với mẫu PRRS từ năm 2007 đến 2010 có thể thấy, tất cả các mẫu đều có tương đồng rất cao và nằm cùng nhóm. Cơ quan thú y cho rằng, những virus PRRS năm 2010 giống mẫu virus PRRS o9-SX-China của Trung Quốc năm 2009, điều này cho thấy có thể virus này xâm nhập vào Việt Nam thời gian gần đây.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Năm, cục trưởng Cục thú y thừa nhận trách nhiệm về việc chậm trễ trong nghiên cứu chữa trị bệnh tai xanh bằng vaccine. Tuy nhiên, ông lại biện bạch: “Vaccine do thế giới sản xuất chứ chúng ta không làm được”. Đồng thời ông còn so sánh: “Đến con người quan trọng như vậy mà chúng ta cũng chưa sản xuất ra vaccine phòng chống bệnh HIV nữa là heo…” (!).

Khoanh tay nhìn heo chết

Trước diễn biến dịch heo tai xanh đang trở nên ngoài tầm kiểm soát, bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo các địa phương phải cương quyết dập dịch với tinh thần cao nhất. Sau khi đi khảo sát một số địa phương, ông Phát cho rằng thời gian qua có nhiều nơi khi heo chết thì chính quyền, cơ quan thú y mới phát hiện ra. Lúc ấy, dịch đã lan ra nhiều hộ. Vì vậy, theo ông, nếu chúng ta tổ chức tốt mạng lưới giám sát, huy động cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cộng với đội ngũ thú y xã, thôn… hợp sức chống dịch, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả. “Không nên thụ đồng ngồi đợi dịch đến mới căng sức ra chống”, ông Phát khuyến cáo.

Trong khi đó, đại diện tỉnh Hậu Giang cho biết, đến nay đã công bố dịch ở thị xã Ngã Bảy, Phụng Hiệp. Tuy nhiên, với diễn biến dịch bệnh lan nhanh như hiện nay thì một vài hôm nữa rất có thể sẽ phải công bố dịch toàn tỉnh. “Chúng tôi làm đủ bài rồi nhưng dịch vẫn tái phát. Chúng tôi đề nghị nên tiêu hủy hết cả đàn heo nếu đàn có một vài con bị bệnh, chứ khoanh lại một vài con để chữa trị là vô phương”, vị đại diện này đề nghị.

Đại diện tỉnh Khánh Hòa cũng nói dịch heo xuất hiện ở sáu huyện, vài ngày tới có thể sẽ phủ khắp tỉnh và có khả năng dịch chỉ trừ… huyện Trường Sa.

Theo một số địa phương có dịch heo tai xanh, họ đã làm đủ mọi cách phòng chống theo phương pháp truyền thống của ngành nhưng rốt cuộc dịch vẫn xảy ra. Ông Nguyễn Thanh Quang, giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam bức xúc: “Dịch heo tai xanh năm nào cũng bị. Năm 2007, 2008, 2009 thì bị nhẹ, nhưng năm nay bị nặng hơn”. Theo ông Quang, khi phát hiện có dịch, thú y cũng dùng mọi biện pháp phòng chống như tiêu độc, khử trùng, heo chết thì tiêu hủy, rồi kiểm soát giết mổ mà vẫn không ngăn chặn được. “Hiện nay, Quảng Nam có năm, sáu trăm ngàn đầu heo. Gần đến mùa lũ, dân cần tiêu thụ, nhưng với diễn biến dịch bệnh như thế này, chúng tôi không biết phải làm sao”, ông Quang lo lắng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thừa nhận ngành thú y đang quá thụ động trong phòng chống dịch. Ông Phát hứa bộ sẽ đẩy nhanh nhập khẩu vaccine để tiến hành khảo nghiệm đặc tính của từng loại vaccine đối với virus tai xanh để tiêm cho đàn heo. “Vừa qua, những loại vaccine mà Cục thú y khảo nghiệm hiệu quả chưa cao nên không thể triển khai tiêm phòng đồng loạt được. Chúng tôi đang hy vọng vào nguồn vaccine nhập từ Trung Quốc và sẽ nhập về trong thời gian sớm nhất”, ông Phát cho biết.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *