Bên bờ hạnh phúc

Ở Bình Phước, người dân lũ lượt lên núi tìm nước. Nhiều vùng tại Quảng Ngãi cạn kiệt nước sinh hoạt

Trên tuyến đường ĐT 741 của tỉnh Bình Phước, các xã Long Hà, Long Bình, Long Hưng (huyện Bù Gia Mập); các phường Long Phước, Phước Bình, Thác Mơ (thị xã Phước Long) đâu đâu cũng khô khốc, mặt đất nứt nẻ. Hàng ngàn hécta cà phê héo hon ngay trong kỳ ra hoa, báo hiệu một vụ mùa thất bát.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi vào con suối cạn tận trong rừng lấy nước phục vụ bệnh nhân. Ảnh: XUÂN LONG

20.000 hộ dân khát nước

Gia đình anh Trần Văn Cảnh ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, đã vét giếng 2 lần nhưng vẫn không thấy nước. Cả nhà anh nửa tháng nay phải xuống hồ Suối Cam gần nhà lấy nước dùng sinh hoạt. Nhưng anh Cảnh cũng chán nản: “Chưa bao giờ thấy hồ này cạn nước đến vậy”.

Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Bình Sơn, huyện Bù Gia Mập, có 1 ha cà phê 12 năm tuổi. Mùa khô năm trước, vườn cà phê nhà anh chỉ phải tưới 5 lượt (mỗi lần tưới cách nhau 10-12 ngày) là mưa đã xuất hiện đều nhưng năm nay anh đã tưới đến 11 lượt, mất hơn 3 triệu đồng tiền dầu nhưng vẫn chưa xuất hiện cơn mưa nào.

Nhiều người cùng xã, mỗi người có vài hécta cà phê đang rũ rượi vì nắng, đến nay không còn đủ tiền mua dầu chạy máy tưới. “Biết rằng khô hạn sẽ làm giảm năng suất vì cà phê đang mùa ra hoa, thậm chí cây sắp chết nhưng đành buông tay” – nhiều người buồn bã.

Theo UBND xã Bù Gia Mập, toàn xã có khoảng 300 giếng đào, hầu hết đều đang khô cạn. Người dân phải đi mua nước sinh hoạt với giá 40.000-50.000 đồng/m3. Mỗi chiều, tại con suối Pang, cách khu dân cư 2 km, mọi người kéo nhau ra giặt giũ, tắm rửa, lấy nước…

Còn tại huyện Bù Đốp, giếng đào đến 30 m vẫn không tìm ra nước. Nguy hiểm hơn, hàng ngàn hécta rừng trên địa bàn nguy cơ cháy đang ở cấp 5 (cấp nguy hiểm nhất). Toàn bộ lực lượng được điều động túc trực tại các chốt để kịp thời ứng phó nếu xảy ra cháy.

Ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết: “Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại 8.701 ha, trong đó diện tích mất trắng 969 ha.

Có 20.798 hộ dân thiếu nước sinh hoạt (chiếm trên 10,3% số hộ dân toàn tỉnh). Ước tính tổng số thiệt hại ban đầu do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh Bình Phước mùa khô 2009-2010 trên 150 tỉ đồng”.

Nguồn nước cạn kiệt

Địa bàn xã Trà Phong là khu trung tâm của huyện vùng cao Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua đã làm cho các nguồn nước sinh hoạt ở khu trung tâm huyện bị cạn kiệt.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã trở nên nỗi ám ảnh lớn đối với hơn 200 cán bộ, giáo viên Trường THPT Tây Trà. Nhà trường đã phải đào tạm giếng nước trong khuôn viên trường để dùng nhưng nay giếng cũng đã cạn.

Vì vậy, sau mỗi ngày vất vả trên bục giảng, các thầy cô giáo lại phải đi khắp xung quanh xóm, vào nhà dân, ra máng nước để tìm nước về dùng. Giáo viên đã vậy, các học sinh nội trú lại càng vất vả hơn, sau mỗi buổi học, các em phải đi tìm nước cách trường cả cây số.

Bác sĩ Châu Nguyễn Thương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, cho biết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở trung tâm gây rất nhiều khó khăn trong công tác khám và điều trị cho bệnh nhân. Không những thế, bệnh viện đang phải đối mặt với tình trạng mất vệ sinh và nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Tại các khu dân cư ở các thôn của xã Trà Phong và một số xã ở huyện Tây Trà, nguồn nước sinh hoạt cũng đã khô cạn. Theo ông Hồ Văn Sơn, trưởng thôn Trà Niêu, xã Trà Phong, đường ống dẫn nước từ khe núi về nhà của ông dùng cho cả xóm trước đây chưa bao giờ cạn. Vậy mà giờ đây chỉ còn nhỏ giọt.

Ngày và đêm, các gia đình phải cử người đi vét từng gàu nước ở các giếng đào và các mạch ngầm của các khe suối để dùng. Còn ông Hồ Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Phong, cho rằng tất cả các thôn trong xã đều thiếu nước sinh hoạt nên người dân không còn cách nào khác là phải xuống sông Hà Riềng cõng nước về nấu ăn.

Trà Vinh: Thiếu cỏ, bán rẻ bò

Số liệu thống kê từ Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho thấy tổng đàn bò trên toàn tỉnh khoảng 159.000 con. Trong khi đó, diện tích cỏ trồng là 800 ha, chỉ cung cấp cho trên 20% tổng sản lượng đàn bò toàn tỉnh.

Thời tiết khô hạn, lượng cỏ tự nhiên cũng không còn. Nhiều hộ nuôi bò ở một số huyện như Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành… tận dụng kể cả thân cây đậu phộng thay thế cỏ làm thức ăn cho bò nhưng vẫn không đủ. Giá rơm rạ cho bò lên đến: 600.000 đồng-800.000 đồng/ha. Người nuôi bò túng quá đành phải bán đàn bò giá rẻ nhưng cũng khó tìm người mua.

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *