Bên bờ hạnh phúc

Nhưng Tết này tôi mới hiểu. Thấy tôi kể có người bạn ở Việt Nam sắp sang, mẹ rụt rè hỏi: “Này con, con nhờ cô ấy mang cho mẹ một bó mùi già được không? Sắp Tết rồi!”.

“Mẹ cần mùi làm gì?”, tôi hỏi. Bà bảo để tắm. Tôi chợt nhớ ra thói quen của mẹ những năm còn ở Việt Nam, cảm giác nôn nao nhớ quê hương ùa đến trong tôi. Bỗng chốc, tôi như thấy mình sống giữa không gian đêm tĩnh mịch những ngày cuối năm trong ngôi nhà ở quê, tôi lơ mơ ngủ trong hương mùi ngào ngạt nồng nàn tỏa ra từ nhà tắm, nơi mẹ tôi đang tự thưởng cho mình chút niềm vui đơn sơ sau một ngày bận rộn lo Tết…

Mẹ tôi nhớ quê, nhớ anh em, chòm xóm, nhớ vị Tết đậm hương mùi của riêng mình lắm… (Ảnh minh họa)

Tôi chợt thấy thương  mẹ thắt lòng. Từ khi bà sang đây, dịp Tết âm lịch nhà tôi làm cũng vừa phải, chủ yếu là tụ tập một vài gia đình bạn bè người Việt sống gần đó cùng nấu nướng một số món ăn Việt Nam, thắp hương bái vọng ông bà tổ tiên nơi quê cha đất Tổ, rồi lại tất bật đi làm vì Tết âm lịch bên này đâu có được nghỉ. Mẹ cũng lấy việc cận kề con cháu làm vui, không phàn nàn gì về chuyện Tết nhất, nhưng giờ tôi mới biết mình vô tâm…

Mẹ tôi là dâu trưởng, một người phụ nữ của gia đình hoàn toàn kể từ khi lấy chồng đến lúc chồng mất. Mẹ một mình chăm lo hương hỏa tổ tiên nhà chồng. Tuổi cao sức yếu, họ hàng động viên bà mới chịu sang đây cùng con cháu. Với mẹ, Tết đồng nghĩa với trách nhiệm dâu con, là những lượt thăm viếng họ hàng đến mệt nhoài xen kẽ với những bước chân tất bật từ sáng tới tối trên nhà xuống bếp.

Tết xưa, từ 23 tháng chạp, ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời đến hết mùng 3, nhà tôi lúc nào cũng như đang hội. Người đi xa lục tục trở về, căn bếp nhà con trưởng cứ mỗi ngày một đầy thêm những gà, lợn, măng, miến… Trẻ con vui, người lớn vui, mẹ dường như cũng vui nhưng mà mệt nhoài. Tôi nghĩ mẹ tôi mệt không chỉ vì công việc bận bịu, mà còn vì lúc nào cũng tâm niệm phải có trách nhiệm lo cho đại gia đình một cái Tết thật no ấm, vui vẻ, để anh em họ hàng không ai chê trách điều gì…

Dù bận rộn thế, mẹ âm thầm giữ cho mình một thói quen, đó là ngay từ khi bắt đầu phải lo Tết, mẹ đi chợ đã chăm chăm chọn mua những bó mùi già, cành lá xanh đậm gần như ngả đen, khắp thân lúc lỉu những trái mùi tí xíu, chỉ sứt ra một chút là hương thơm bay ngào ngạt… Rồi sau cả ngày bận rộn với bếp núc, nhà cửa, tiếp đãi, mẹ tôi đun một nồi nước lá mùi thật to rồi bê vào nhà tắm, pha một chậu lớn nước rồi tắm gội. Hương mùi thơm ngào ngạt thấm vào người, từ từ tẩy hết những mỏi mệt, những vướng bận và lo toan… Lúc đó, gần nửa đêm, anh em tôi đã ôm nhau ngủ sau một ngày chơi đùa huyên náo… Vậy mà tôi vẫn mơ màng ngửi thấy mùi nước lá mùi và nghe thấy từng gáo nước dội nhè nhẹ. Tôi vẫn nhớ lúc mẹ bước vào giường ngủ, hương mùi xộc lên nồng nàn…

Rồi đêm giao thừa, mẹ đun một nồi mùi thật to, tắm cho tất cả anh em chúng tôi. Phòng tắm nhỏ đặc quánh hơi nước, hương mùi đậm đà xộc vào mũi, xông lên đầu, xuống phổi và lan tỏa khắp các giác quan… Đúng là “tẩy trần” đón năm mới. 

Ra Tết, mẹ vẫn mua mùi về tắm. Trong cảm nhận của tôi, cứ khi nào còn hương mùi là còn Tết… Ngoài Rằm, hương mùi nhạt dần, chúng tôi cũng bớt nắc nỏm về Tết dần đi…

Mẹ tôi nhớ quê, nhớ anh em, chòm xóm, nhớ vị Tết của riêng mình lắm, nhưng thương chúng tôi, mẹ không  mấy khi nhắc nhở, vì vào dịp cuối năm, ai tha hương sẽ hiểu, dù trong lòng chỉ  nôn nao hai chữ quê nhà nhưng đều cố gắng chỉ nói chuyện vui, nhắc quê nhiều quá lại thấy buồn, thấy tủi, nhiều khi không cầm được nước mắt…

Tôi gọi điện cho người bạn sắp sang, tha thiết nhờ đem sang một bó mùi khô và ít hạt mùi già làm cây giống để mẹ thử trồng trong mảnh vườn nhỏ sau nhà (không biết ở sân bay người ta có cho qua không?!). Nếu mang sang được, tôi cũng không chắc loài thảo mộc quê mùa ấy có chịu nổi giá rét băng tuyết nơi đất người không, nhưng tôi nghĩ sẽ giúp mẹ vơi phần nào nỗi nhớ…  

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *