Bên bờ hạnh phúc

Chiều 29/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ tháng 10/2014 của VPCP. Cùng dự có Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì phiên họp báo Văn phòng Chính phủ tháng 10/2014 – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

 

Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên tóm tắt nội dung phiên họp thường kỳ tháng 10 của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì diễn ra cùng ngày.

Theo đó, Chính phủ đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2014; dành thời gian, tập trung bàn một số nội dung quan trọng mà xã hội đang quan tâm như nợ công, nợ xấu, phát triển doanh nghiệp và cơ cấu chi ngân sách…

Người phát ngôn của Chính phủ dành phần lớn thời gian của cuộc họp báo để trả lời các câu hỏi của báo chí.

PV Thế Dũng (báo Người lao động TPHCM): Xin hỏi Bộ trưởng, trong cuộc họp Chính phủ ngày hôm nay, vụ việc bắt giữ, tạm giam ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương có được đặt ra, Bộ Công an có báo cáo như thế nào về vụ việc này? Ngoài ra, Thủ tướng có ý kiến gì về việc này không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Về việc ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương vừa bị bắt, ban đầu là Thanh tra NHNN tiến hành thanh tra thường xuyên đã phát hiện Ngân hàng này có những dấu hiệu bất ổn, nên đã thông báo lại cho ông Thắm chuẩn bị khắc phục những bất ổn đó, đưa ngân hàng hoạt động tốt hơn, có quy định thời gian để thực hiện. Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc phát hiện ra ông Hà Văn Thắm không tự khắc phục được sai lầm của mình nên xem xét, khởi tố, Viện Kiểm sát phê chuẩn dùng biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam ông này. Tội danh là vi phạm các quy định về tín dụng.

Chính phủ không bàn nội dung này tại phiên họp, chỉ có thông tin qua báo cáo. Quan điểm của Chính phủ trong vấn đề này là đối với các vi phạm thuộc về lĩnh vực kinh tế chúng ta hết sức thận trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho những người vi phạm tự khắc phục và khi nào họ không tự khắc phục được thì chúng ta tìm biện pháp ngăn chặn cần thiết. Đó là trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là không hình sự hóa với những trường hợp vi phạm kinh tế khi không cần thiết. Việc bắt giữ này thì cơ quan điều tra đang tiến hành và sẽ thông báo khi có kết quả chính thức.

PV báo Đại Đoàn kết: Hiện nay chi thường xuyên chiếm 70% cơ cấu chi. Xin Bộ trưởng cho biết lí do khiến chi thường xuyên tăng cao, có phải do kỷ luật ngân sách chưa nghiêm và giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới? Tôi cũng xin hỏi về phản ứng của Chính phủ đối với ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự án sân bay Long Thành. Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Về dự án sân bay Long Thành thì sáng nay, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có báo cáo bổ sung tại Quốc hội để Quốc hội xem xét và cho ý kiến. Đây là dự án lớn thuộc thẩm quyền Quốc hội. Chính phủ đã bàn và trong tháng 9 chúng ta đã có thông tin này rồi. Chính phủ xin chủ trương đầu tư, mặc dù biết rằng hiện nay chúng ta đang rất khó khăn, nhưng đây là tính cho lâu dài. Chính phủ thống nhất báo cáo xin ý kiến Quốc hội và chúng ta đang chờ Quốc hội bàn, cho ý kiến.

Về cơ cấu chi, Chính phủ đã có báo cáo trong kỳ họp Chính phủ lần này cũng như báo cáo trước Quốc hội. Chúng ta biết rằng đất nước chúng ta hiện nay đang đứng trước khó khăn, thử thách. Tăng trưởng của chúng ta nhiều năm chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Nhưng chúng ta không có giảm bất cứ loại chi nào cho con người, an sinh xã hội và quốc phòng trong tình hình mới.

Con số mà chúng ta thấy là tốc độ tăng chi chung cao, mà trong đó chi thường xuyên cao hơn tốc độ tăng GDP. Đây là sự cân đối không hợp lý. Chính phủ bàn và thấy rằng, cần có giải pháp để tính toán lại, cân đối lại.

Chúng ta nói nôm na như trong gia đình là có những nhu cầu không thể giảm mà thậm chí còn tăng, nhất là cho con người. Chi lương tăng suốt thời gian qua. Còn lại một phần chúng ta chi cho đầu tư phát triển. Chi cho đầu tư phát triển giảm. Lần này Chính phủ bàn và đặt ra yêu cầu chúng ta phải tính toán lại bằng cách tiết kiệm, tính toán cho hợp lý, quản lý, kiểm soát tốt, cân đối lại nguồn chi cho hợp lý, để đảm bảo quá trình lâu dài. Trong đó có tính toán giải pháp lương tới đây.

Trong lúc kinh tế khó khăn, chúng ta đã giảm một số nguồn thu, giảm, giãn để doanh nghiệp có điều kiện vượt qua khó khăn, điều đó cũng làm cho thu-chi của chúng ta bị ảnh hưởng. Cần bàn kỹ lại, tính toán lại, kiểm soát chặt chẽ để thu-chi cân đối được.

PV Văn Thành (báo Tuổi trẻ TPHCM): Có thông tin UBND Bình Phước giữa tháng 10 đã ra một quyết định thu hồi đất cao su của một số BQL đất rừng và Công ty cao su cho một số cán bộ thuê lại, khoảng 30 người. Câu hỏi là Bình Phước diện tích bé, người dân thiếu đất canh tác, vì sao việc thu hồi đất cao su chỉ giao 30 cán bộ mà không phân chia công bằng? Liệu đã công khai, minh bạch, công bằng chưa, đúng quy định pháp luật chưa? Quan điểm của Chính phủ xử lý thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ trước đến giờ trong sử dụng tài nguyên nói chung, đất đai nói riêng là đảm bảo theo quy định của pháp luật, khi đặt ra chính sách phục vụ con người đều phải tuân thủ quy định của pháp luật. Đặc biệt từng địa phương còn đất giải quyết cho người dân, cho đối tượng chính sách thì phải tính toán thứ tự ưu tiên, ví dụ đối tượng chính sách nghèo, nông dân nghèo, dân tộc, người có công… trong vùng dự án và mọi việc đều phải công khai minh bạch, tạo đồng thuận xã hội, thống nhất nội bộ, đảm bảo minh bạch, thực hiện tốt. 

Câu chuyện của Bình Phước thực hư thế nào chúng tôi sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Phước báo cáo. Việc báo chí phát hiện, đăng tải, phản ánh là cần thiết, tôi chỉ yêu cầu chúng ta nên tìm hiểu thêm, nắm thêm bản chất vấn đề, yêu cầu địa phương làm rõ, xử lý nếu có tiêu cực, nếu chủ trương chính sách chưa rõ phải hỗ trợ thông tin để thực hiện cho tốt.

PV Kiều Minh (báo Nông thôn Ngày nay): Về việc UBND tỉnh Quảng Bình đang nghiên cứu xây dựng cáp treo tại động Sơn Đoòng, có rất nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng đó là việc làm có thể có những ảnh hưởng không tốt đến di sản thiên nhiên của quốc gia. Xin hỏi quan điểm của Chính phủ về vấn đề này thế nào?

Câu thứ hai dành cho Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vụ việc ông Hà Văn Thắm. Khi nãy Bộ trưởng đã nói đến việc khởi tố. Thanh tra NHNN vào cuộc và chính thức chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra. Bà có thể cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc thanh tra NHNN phải chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra, sai phạm cụ thể của ông Thắm ra sao?

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Đối với sự việc của ông Hà Văn Thắm, trong quá trình giám sát và thanh tra đối với các tổ chức tín dụng nói chung, cũng như là Ngân hàng Đại Dương nói riêng, NHNN cũng đã phát hiện ra những sai phạm trong hoạt động lãnh đạo của cá nhân ông Hà Văn Thắm. Trước đó, trong quá trình thanh tra, giám sát, NHNN đã phát hiện ra những sai phạm và đã đề nghị Ngân hàng Đại Dương khắc phục sau thanh tra. Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, NHNN thấy rằng Ngân hàng Đại Dương chưa khắc phục những sai phạm và lại phát sinh thêm những sai phạm mới. NHNN đã chuyển cho cơ quan điều tra và hiện nay cơ quan điều tra đang trong quá trình điều tra tất cả sai phạm của ông Hà Văn Thắm. Khi có kết luận của cơ quan điều tra, NHNN sẽ thông báo, thông tin công khai.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Câu chuyện này như tôi vừa nói ban nãy, thanh tra NHNN đã làm nhiệm vụ thường xuyên của mình trong quá trình quản lý Nhà nước. Quá trình thanh tra đã phát hiện những dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, những dấu hiệu đó mới là bước đầu, còn cơ quan điều tra khi xét thấy những dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì cần phải xử lý. Chúng ta chờ kết quả điều tra làm rõ thì sẽ có thông tin chính xác hơn.

Về quan điểm của Chính phủ với việc xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng. Quan điểm của Chính phủ là chúng ta phát triển kinh tế luôn luôn trên cơ sở bảo vệ các giá trị văn hóa. Vậy thì những dự án phát triển kinh tế của từng địa phương, từng ngành đều phải tính toán yếu tố này. Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi xem việc làm của địa phương, trách nhiệm bảo tồn di sản như thế nào.

PV Thanh Tùng (báo Investment Review): Thưa Bộ trưởng, tôi được biết tình hình ngân sách hiện nay không được bền vững lắm. Liệu Chính phủ có tiếp tục phát hành trái phiếu trong thời gian tới không?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Như chúng ta đã biết, nếu cứ tính gói ghém những gì trước mắt để đảm bảo thu chi ổn định, thì khó có thể phát triển được. Vì thế, khi đặt ra vấn đề này phải tính trung và dài hạn, và phải có nguồn vốn cần thiết để tính cho đầu tư, và 1 trong 3 nhiệm vụ đột phá là đầu tư kết cấu hạ tầng. Đầu tư kết cấu hạ tầng nặng nhất là đường giao thông, toàn những dự án lớn như Quốc lộ 1, Quốc lộ 4… Chúng tôi có nghe sự băn khoăn, lo lắng của nhân dân và công luận về vấn đề nợ của Chính phủ nhưng việc phát hành trái phiếu là cần thiết, phải chấp nhận để đầu tư trung và dài hạn cho những dự án lớn. Nhưng việc này phải nằm trong giới hạn cho phép và được Quốc hội thông qua. Hằng năm, đều có tính toán, cân đối để có nguồn đầu tư phát triển, Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để tính toán cho đầu tư, trong đó có đầu tư kết cấu hạ tầng, chứ không phát hành trái phiếu để sử dụng cho lĩnh vực khác. Chúng ta cũng nên nghiên cứu việc làm cần thiết, thường xuyên của một quốc gia.

PV báo Nông nghiệp Việt Nam: Thưa Bộ trưởng, Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về Biển Đông và tình hình xây dựng đảo nhân tạo tại Gạc Ma của Trung Quốc. Vậy báo cáo của Chính phủ đã nhận được phản hồi như thế nào từ Quốc hội và giải pháp của Chính phủ đề ra trong thời gian tới là như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Với tình hình biển đảo, thời gian qua chúng ta đã nói rất nhiều, hiện nay từng người dân đều quan tâm đến biển đảo, kể cả mối quan hệ với các nước láng giềng.

Vừa rồi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã báo cáo với Quốc hội. Tôi tin rằng Quốc hội sẽ thảo luận, cho quan điểm để Chính phủ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền.

Quan điểm của chúng ta đã rõ. Đất nước của chúng ta, biển đảo là thiêng liêng. Chúng ta khẳng định có đủ căn cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Hiện nay, cùng với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, các nước ASEAN và Trung Quốc cũng đã ký DOC, yêu cầu các bên phải giữ nguyên hiện trạng, không được làm gì thay đổi. Những hành vi vi phạm DOC chúng ta cũng có công hàm công khai phản ứng; trong các cuộc hội đàm song phương chúng ta cũng đã có phản ứng. Lập trường xuyên suốt của chúng ta là luôn luôn mong muốn hòa bình nhưng kiên quyết bảo vệ biển đảo của mình bằng biện pháp hòa bình, và cũng cần các nước, các bên có liên quan nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, DOC. Chúng ta đang chuẩn bị tiến hành nội dung để đàm phán COC.

PV Anh Vũ (báo Thanh Niên): Đại biểu QH Phạm Huy Hùng cho rằng những số liệu về nợ xấu được công bố hoàn toàn không đúng thực chất. Những giải pháp xử lý nợ xấu của NHNN thực chất chỉ mang tính kỹ thuật. Xin NHNN cung cấp thêm thông tin về quan điểm này của ông Hùng để định hướng dư luận tốt hơn.

Chia sẻ thêm sau khi Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giải đáp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Riêng nợ xấu thì Chính phủ cũng bàn rất nhiều, coi đó là 1 chuyên đề. Xử lý nợ xấu ở các nước thì người ta có dùng ngân sách. Còn chúng ta xử lý trong điều kiện ngân sách chúng ta không thể chia sẻ được. Cho nên VAMC xin cơ chế để có hành lang thông thoáng hoạt động. Vừa rồi có ý kiến rút ngân sách để giải quyết nợ xấu tín dụng. Nhưng đến giờ này Ngân hàng chưa đề xuất chủ trương này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo rằng nên xử lý bằng những cách khác phù hợp mà vẫn giải quyết được vì ngân sách không thể chia sẻ trong việc này.

PV Quang Huy (Trung tâm Truyền hình Nhân dân): Theo chiến lược đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020 sẽ có 6.000 ha bông, nhưng hiện nay chỉ có 3.000 ha. Phương hướng của Bộ Công Thương như thế nào để thực hiện chiến lược?

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Chúng ta đã có phê duyệt của Thủ tướng về bảo đảm nguồn nguyên liệu bông, nhưng ta cũng phải căn cứ tình hình thực tế. Với tốc độ, tiến triển trồng bông chưa như mong muốn, Bộ đang phối hợp với các địa phương, nhất là các doanh nghiệp để làm trong thời gian sớm nhất nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đã phê duyệt.

Nguồn: Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *