Bên bờ hạnh phúc

Theo đề án “Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020”, năm 2010 sẽ có đào tạo nghề ở bậc đại học. Học viên sau khi ra trường sẽ có bằng kỹ sư thực hành.

Bước đột phá này được kỳ vọng là sẽ hút học sinh theo học nghề.

Thứ trưởng Lao động-Thương binh & Xã hội Đàm Hữu Đắc cho biết: “Kỹ sư thực hành không xa lạ với các nước tiên tiến trên thế giới. Nhưng với Việt Nam, đây là điều mới mẻ nếu được áp dụng cho các trường dạy nghề”.

Xóa định kiến về “thợ”

Ông Đắc cũng cho biết: “Việc có thêm bậc đại học với kỹ sư thực hành sẽ đáp ứng nhu cầu chính đáng muốn phát triển con đường học hành của người học. Người học muốn phát triển học vấn thì phải có hành lang cho họ. Nếu chặn lại ở cao đẳng, rất có thể họ sẽ chuyển sang học bằng đại học khác. Thậm chí, sau này, còn có thể có bậc tiến sĩ nghề, thạc sỹ nghề nữa”.

Ông Đắc còn đánh giá, điều này sẽ giúp xã hội có nhận thức mới về học nghề. Ông nói: “Khi đó, con đường học nghề rộng thênh thang không kém con đường học đại học. Số người học nghề chắc chắn sẽ nhiều hơn”.

Ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đánh giá, một trong những rào cản trường nghề với người học là các trường nghề cho tới nay chưa cấp bằng đại học. Khi xã hội vẫn tồn tại định kiến làm “thợ” không bằng làm “thầy” thì việc học sinh đâm đơn vào đại học vẫn còn tiếp diễn. Chính vì vậy, theo ông, việc có thêm bậc kỹ sư thực hành sẽ giúp xóa bỏ định kiến này.

Một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khác, ông Dương Đức Lân cũng đánh giá cao việc có ngạch bậc này vì: “Hiện nay, rất nhiều quốc gia muốn tuyển lao động kỹ thuật có chứng chỉ cấp quốc gia. Nếu đã có bằng đại học cấp quốc gia về dạy nghề, việc đưa người học nghề đi xuất khẩu lao động sẽ dễ dàng hơn. Hơn nữa, tại các nước đều có bậc kỹ sư thực hành này nên việc có thêm bằng cấp này giúp ta tiến gần hơn với thị trường lao động thế giới”.

Tránh “cạm bẫy” bằng cấp

Ông Lân cũng cho biết: “Một trong những lý do để thành lập bậc học kỹ sư thực hành là nhu cầu người học, nhưng không có nghĩa là chúng tôi chạy theo tâm lý chuộng bằng cấp. Chính vì thế, việc xây dựng chương trình được thực hiện hết sức nghiêm túc, dựa trên các chuẩn quốc gia về đào tạo nghề”.

Cùng quan điểm, ông Sâm cũng cho rằng, nếu đã lấy kỹ sư thực hành của các nước tiên tiến làm hình mẫu, những tiêu chuẩn cho bậc học này cũng sẽ cao. Và điều này, ông nhấn mạnh, liên quan chặt chẽ đến chỉ tiêu xây dựng gần 100 nghề có chất lượng văn bằng ngang với thế giới mà Tổng cục Dạy nghề đang xây dựng.

Ông Hoàng Văn Tiến, Chánh Văn phòng Tổng cục Dạy nghề nói: “Thị trường lao động có những khắt khe để đánh giá ngạch bậc nên không thể chạy theo bằng cấp được. Chính vì thế, chương trình kỹ sư thực hành sẽ được dạy theo mục tiêu năng lực thực hiện công việc”.

Ông Tiến cũng cho biết, có thể bậc học này sẽ được tổ chức theo chuẩn của Australia với 7 học kỳ, mỗi học kỳ 3 tháng. Trong đó, thời gian thực hành theo chuẩn kỹ năng nghề sẽ chiếm ít nhất 70% thời lượng.

Một yếu tố khác để tránh chạy theo tâm lý bằng cấp, theo ông Đắc, là việc tuyển sinh sẽ dựa cơ bản trên kết quả học cao đẳng nghề. “Yếu tố đầu vào phải tuân theo nguyên tắc chung. Trung cấp chuyên nghiệp thì lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học. Việc học nghề quan trọng ở khâu thực hành. Do đó, học nghề cũng phải theo từng bậc mà không được cắt xén tùy tiện”.

Chính vì có những yêu cầu khắt khe trong xây dựng chương trình như vậy, theo ông Tiến, xã hội sẽ có những ngạch bậc lương tương ứng cho kỹ sư kỹ thuật.

Theo Tin tuc Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *