Bên bờ hạnh phúc

Các nghệ nhân và công nhân đang khẩn trương làm việc để kịp tiến độ. Ảnh nhỏ: Mô hình tượng Thánh Gióng bằng thạch cao

Hướng tới “ngày trùng cửu”

10 giờ sáng 24-10, tại một bãi đất trống rộng vài hécta trong khu di tích đền Sóc – chùa Non (Hà Nội), hàng tốp thợ miệt mài di chuyển, mài giũa, chỉnh sửa các chi tiết của khuôn đúc tượng. Tượng Thánh Gióng nguyên mẫu bằng thạch cao đã được các nghệ nhân cắt ra thành các chi tiết để làm khuôn đổ đồng.

Để chuẩn bị cho mẻ đồng đầu tiên, những người thợ đã có thời gian chuẩn bị từ 2 tháng trước đó. Chỉ riêng việc đắp khuôn từ tượng thạch cao nguyên mẫu đã mất một tháng. Tháng còn lại để chuẩn bị nguyên liệu làm khuôn, nguyên liệu nấu đồng, vận chuyển đồ nghề…

Hơn một tuần nay, các nghệ nhân đúc đồng đã phải làm việc liên tục để chuẩn bị cho mẻ đổ đồng đầu tiên vào lúc 9 giờ 9 phút 9 giây ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Sửu.

Nghệ nhân Vũ Duy Thuấn, thợ cả của nhóm thợ đúc tượng, cho biết bức tượng Thánh Gióng là một thử thách đặc biệt. Anh nói: “Tôi đã từng đúc tượng Phật Bà ngàn mắt, ngàn tay có vô số chi tiết rất phức tạp. Nhưng đúc tượng Thánh Gióng còn khó hơn do kết cấu phức tạp và là tượng lớn nhất mà tôi từng làm”.

Theo anh, các tượng Phật thường đúc ở tư thế ngồi, với phương thẳng đứng nên không cần chú tâm đến vấn đề chịu lực. Còn bức tượng Thánh Gióng lại ở thế bay, với góc nghiêng 35o nên việc tính toán kết cấu, chịu lực phải thật chính xác và khoa học. Mặt khác, do bức tượng được đặt trên đỉnh núi cao 3.600 m so với mặt nước biển nên chịu tác động rất lớn của gió, bão. Do đó, cần phải bảo đảm độ an toàn cũng như tính bền vững của bức tượng.

6 tháng để hoàn thành

Ông Nguyễn Đắc Lộc, phó ban quản lý dự án, Học viện Phật giáo VN, cho biết TP Hà Nội đã tổ chức cuộc thi sáng tác tượng Thánh Gióng để tìm ra mẫu tượng tốt nhất. Mẫu tượng Thánh Gióng bằng thạch cao với kích thước 1/1 cuối cùng để đúc tượng đồng đã được hội đồng thẩm định nghệ thuật thông qua.

Sau khi có tượng thạch cao, các nghệ nhân đúc đồng sẽ cắt ra thành 5 “thớt” tượng để đúc, khi hoàn thiện sẽ lắp ghép các thớt này lại với nhau. Để hoàn thành bức tượng, các nghệ nhân sẽ phải đổ 5 “mẻ”. Ngày 26-10 mới chỉ đổ “thớt” đầu tiên (gồm thân Thánh Gióng và đầu ngựa), 4 thớt còn lại sẽ tiếp tục đổ trong những ngày sau. Thời gian hoàn thành bức tượng là 6 tháng.

Theo nghệ nhân Vũ Duy Thuấn, nguyên liệu để đúc bức tượng gồm 77 tấn đồng, 4 tấn thiếc và 4 tấn chì. Khi hoàn thành và qua chế tác, dự kiến khối lượng của bức tượng sẽ khoảng 75 tấn.

Công trình vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính tâm linh này sẽ được rước lên đỉnh núi Đá Chồng đúng ngày khai hội đền Sóc (mùng 6 tháng giêng năm Canh Dần).


Tiếp nhận đóng góp của nhân dân

Ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết đây là công trình được xã hội hóa nên sẽ tiếp nhận những đóng góp của nhân dân. Theo ông Lộc, toàn bộ chi phí đúc tượng (khoảng 25 tỉ đồng) sẽ do một doanh nhân tại Hà Nội đóng góp. Một số doanh nghiệp cũng đã đăng ký với số tiền là 2 tỉ đồng.

Theo thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN, trưởng ban quản lý dự án, khó khăn lớn nhất hiện nay là tổ chức thi công công trình do tượng đài đặt trên núi nên rất khó vận chuyển và kinh phí rất lớn.

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *