Bên bờ hạnh phúc

Đã có ba đợt điều chỉnh giảm giá mua mía nguyên liệu của các nhà máy đường tính từ cuối tháng 2.2010 đến nay và dự kiến sẽ giảm thêm 50 đồng/kg từ ngày 20.3. Hạ tuần tháng 2.2010, giá mía nguyên liệu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cao ngất ngưỡng với giá mua tại ruộng 1.200 – 1.450đ/kg. Chỉ có 40% nông dân trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) và một phần nông dân canh tác mía ở Trà Vinh được lợi lớn nhờ mức giá kỷ lục này. Nhiều nông dân đang đổ xô trồng mía với hy vọng cảm nhận được vị ngọt của mía đường trong niên vụ tới (2010 – 2011).

Diện tích mía nguyên liệu gia tăng

Vùng nguyên liệu mía của tỉnh Sóc Trăng có khoảng 12.000 ha thì huyện Cù Lao Dung chiếm khoảng 7.300 ha. Đây là vùng nguyên liệu duy nhất của tỉnh Sóc Trăng, cung cấp mía cho 6 nhà máy đường còn hoạt động từ hơn một tháng nay – tính trên phạm vi toàn vùng ĐBSCL. Với năng suất bình quân 110 -120 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 10CCS, đến nay Cù Lao Dung được xem là vùng đất phù hợp với cây mía theo phương pháp trồng lưu gốc. Tuy vậy, thảm cảnh mía chết khô trên đồng không có người mua hồi niên vụ mía 2002 – 2003 vẫn còn là nỗi ám ảnh của những người trồng mía.

Sức hấp dẫn của cây mía bắt nguồn từ kỷ lục về mức giá mới vừa xác lập hồi tháng 2 vừa qua. Phá vỡ quy hoạch là điều khó tránh khỏi, nhưng giá cả thu mua, thiếu lao động trong mùa thu hoạch… là mối lo lớn hơn. Ông Phạm Hồng Văn, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung băn khoăn: “Theo kế hoạch phát triển trong năm nay, toàn huyện chỉ nên trồng 7.600 ha mía nguyên liệu. Tuy nhiên, giá mía hấp dẫn, địa phương không thể ngăn cản người dân khi họ đã quyết tâm đầu tư trồng, diện tích mía cầm chắc sẽ vượt kế hoạch”.

Tỉnh Trà Vinh, với nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư của công ty Mía đường Trà Vinh đưa ra đã thu hút khá đông nông dân quay trở lại với cây mía. Ông Nguyễn Thái Hòa, phó giám đốc công ty Mía đường Trà  Vinh cho biết: tới thời điểm này, diện tích mía trồng mới ước tăng 500 – 600ha. Ở Cà Mau, niên vụ mía mới cũng sẽ có thêm ít nhất 100 ha mía trồng mới ở các xã: Tân Bằng, Trí Lực, Trí Phải, Biển Bạch… (huyện Thới Bình).

Mía giống tăng giá

Thương lái thu mua mía giống cung ứng cho nhu cầu trồng mía đang gia tăng trong vùng ĐBSCL

Đến đảo ngọt Cù Lao Dung mùa này, hình ảnh quen thuộc là nông dân tất bật cho việc xuống giống mía cho niên vụ mới. Diện tích trồng mới tăng khiến giá mía hom cũng bị đẩy lên mức khó tưởng tượng: 1.700đ/kg. Ông Nguyễn Văn Thưởng, nông dân ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung có 1.500m2 đất trồng khoai lang, nay quyết định chuyển sang trồng mía. Ông Thưởng nói, vụ khoai vừa rồi lỗ gần 1 triệu đồng, còn mấy người trồng mía ai cũng có lời. Không riêng gì ông Thưởng mà có nhiều nông hộ trồng khoai lang thua lỗ, trồng màu kém hiệu quả… đã chia tay với loại cây truyền thống và đón cây mía về trên mảnh đất của mình. Tuy nhiên, theo ông Văn, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nên chuyển dịch ồ ạt như hiện tại. Bởi nếu toàn vùng ĐBSCL đều có nhiều nông dân chuyển đổi từ nhiều loại cây trồng khác sang trồng mía sẽ gây biến động lớn về nguồn nguyên liệu mía. Điều này sẽ gây áp lực lên các quá trình chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển… 

Tỉnh Hậu Giang có ba nhà máy đường trên địa bàn, cũng là nơi có vùng nguyên liệu mía lớn nhất ĐBSCL. Hơn ai hết, nông dân vùng đất phèn này đã thuộc lòng điệp khúc chặt – trồng đối với cây mía. Theo sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hậu Giang, ước tính diện tích mía niên vụ 2010 – 2011 lên đến khoảng 14.000ha, tăng 1.000 ha so niên vụ 2009 – 2010 này. Hậu Giang là vùng đất có thể canh tác một vụ lúa và một vụ mía mỗi năm, nên khi mía có giá, đất hai vụ lúa trở thành đất mía hoặc ngược lại. Chính vì vậy, nhu cầu mía giống đang sôi động. Ông Nguyễn Thanh Vũ, thương lái thu gom mía giống tại khu vực huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết: từ tết Nguyên đán đến nay ông đã cung cấp hơn 260 tấn mía giống cho nông dân trồng trên ruộng lúa ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Mùa hom mía giống năm nay, có hơn chục lái buôn mía giống kiếm sống quanh khu vực Cù Lao Dung. Họ mua hom mía giống đưa đi bán cho nông dân vùng Hậu Giang, Cà Mau…

Nhà máy đường sớm ngừng hoạt động?

Theo hiệp hội Mía đường Việt Nam – tiểu vùng ĐBSCL, nông dân trồng mía có lời không đồng nghĩa với ngành đường hoạt động hiệu quả.

Ở vùng nguyên liệu ĐBSCL, năm ngoái công ty CP mía – đường – cồn Long Mỹ Phát (Hậu Giang) lên kế hoạch hoạt động từ 15.8, sớm hơn một tháng so với các nhà máy lân cận. Theo đánh giá của hiệp hội Mía đường Việt Nam – tiểu vùng ĐBSCL, trữ đường trong mía nguyên liệu tại thời điểm đó đạt bình quân dưới 5CCS và chỉ đạt 7 – 8CCS trong thời gian từ giữa tháng 9 trở đi. Ông G. Madhava Raju, giám đốc công ty mía đường NIVL (nhà máy đường Ấn Độ – Long An), cho biết cây mía 11 tháng tuổi mới đủ chín, đảm bảo trữ lượng đường. Ông nhẩm tính, các nhà máy đường ĐBSCL sẽ thu mua thêm 25.000 tấn đường nếu mía được thu hoạch đúng tuổi. Tổng giám đốc công ty CP mía đường Cần Thơ (Casuco), ông Nguyễn Thành Long nhận xét, tập quán của nông dân vùng mía Phụng Hiệp (Hậu Giang) là gieo cấy thêm vụ lúa sau khi thu hoạch mía, nên họ vội vàng thu hoạch mía sớm để kịp cấy vụ lúa. Chính sự nôn nóng này mở đường cho một số nhà máy lên lịch hoạt động sớm để tranh thủ nguyên liệu đầu mùa, gây lãng phí.

Ông Đoàn Xuân Hòa, phó cục trưởng Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn) cho rằng, năng lực cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á một phần do các nhà máy lấy sản lượng nguyên liệu làm chính, tranh thủ giá đường đầu vụ… Hiện toàn vùng chỉ còn khoảng 300.000 tấn mía nguyên liệu, trong khi có tới 6 nhà máy đường đang hoạt động, nên các nhà máy sẽ ngừng hoạt động do hết nguyên liệu trong tháng 3 này, tức sớm hơn cùng kỳ 1 tháng.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *