Bên bờ hạnh phúc

Hoa súng…

Đặc sản phải kể đến đầu tiên là bồn bồn. Vốn là loài cỏ hoang, thường mọc ở các đồng lầy ruộng thấp, xưa ít ai thèm ngó tới. Vậy mà gần đây bồn bồn bỗng dưng thành thức ăn khoái khẩu, có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn: muối dưa, nấu chua, xào với thịt bò. Từ hái bẻ tự nhiên, nông dân ở Bạc Liêu bắt đầu cấy trồng. Một ha bồn bồn kiếm vài trăm triệu đồng như bỡn. Thị trường bồn bồn bắt đầu mở rộng từ vùng bán đảo Cà Mau ra ĐBSCL, về các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội…

Đặc sản kế đến là bông súng. Ca dao Nam Bộ có câu: “Muốn ăn bông súng mắm kho/Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Ở ĐBSCL, vào mùa mưa, bông súng mọc đầy dưới ruộng, đìa, ao. Nói là ăn bông súng chớ thật ra là ăn cái phần cuống của hoa, ngập sâu trong nước, dài tới hơn một mét. Bông súng trước khi ăn phải tước vỏ, ngắt ra từng khúc cỡ một gang tay. Mắm kho múc ra tô còn nóng hổi bốc khói thơm nồng. Hớp một ngụm mắm kho, cắn rộp roạp một đốt bông súng sẽ cảm nhận được ngay vị đậm đà quện với chất tươi mát, ngọt hậu thấm sâu đến tận gan ruột…

Rủ nhau lên đất bảy làng/Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương/Choại chột thì chấm nước tương/Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm”. Đó là 4 câu ca dao đề cập tới món ngon dân dã mà người ta gọi là "choại chột". Choại chột được người Đồng Tháp Mười gọi là "rau chay", còn dân Hậu Giang gọi là "đọt chại". Thật ra, đúng tên của nó là "đọt choại".

…bồn bồn.

Choại là loại dây leo, sống nhiều ở vùng đất bưng trũng, thân bò tới đâu thì bám rễ tới đó. Choại ưa vùng đất nhiễm phèn như rừng U Minh Thượng (Kiên Giang), U Minh Hạ (Cà Mau), khu vực Đồng Tháp Mười. Loại rau có lá non xoăn tít như con cuốn chiếu cuộn mình này, dù hơi nhớt nhưng có chút vị ngòn ngọt lạ miệng, ăn rồi sẽ “bắt ghiền”! Choại có nhiều loại: choại đá, choại vườn, choại rừng… Choại rừng có màu xanh nhạt pha chút hồng thẫm, nấu canh chua với cá rô đồng là thứ rất được dân U Minh, Hậu Giang, Đồng Tháp Mười chuộng. Cao cấp hơn là món lẩu chua thập cẩm: đọt choại, cá, lươn, ốc nhồi, bông điên điển, nấm rơm…, ăn một lần nhớ đời.

Nhắc đến mùa nước nổi là nhắc đến bông điên điển. Mùa nước nổi từ tháng 7 tháng 8 âm lịch, không biết từ đâu cây điên điển trồi lên, chỉ vài mươi ngày sau là cây đã phổng phao, bắt đầu đơm bông vàng rực. Đây là loại cây thân thảo, mọc hoang ở ven các bờ ruộng, bờ kênh, chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi. Bông điên điển mùi hăng hăng, mọc thành chùm, nõn nà, hao hao hoa so đũa. Sau vài đợt gió chướng mang hơi lạnh, bông điên điển sẽ nở rộ, vàng tươi, rập rờn theo sóng nước. Ngày trước, bông điên điển là món độn để bà con nông dân nấu cháo cầm hơi qua những ngày giáp hạt. Ngày nay, với những người nghèo, bông điên điển giúp họ có thêm thu nhập trong những ngày nước ngập trắng đồng.

Bông điên điển bắt đầu ăn được từ khi hé nụ đến lúc nở xòe cánh, rụng đầy mặt nước. Điên điển rụng được vớt về bán cho thương lái hoặc ngâm nước muối, hai ngày thành dưa chua. Có thể thêm một ít giá để ra một món chua có dư vị vừa thanh thanh vừa đậm nồng. Bông điên điển còn dùng để ăn sống như ta ăn rau ghém, rau thơm, rất ngon, hấp dẫn khó tả. Bông điên điển ăn sống phải được hái từ trên cây. Dân sông nước Nam Bộ có nhiều cách chế biến món bông điên điển sống. Điển hình là hai món bún nước lèo Sóc Trăng và bún mắm Châu Đốc (An Giang). Múc một tô bún nước, bún mắm đang sôi, cho một vốc nhỏ bông điên điển, trộn đều sẽ được một món ăn tuy đạm bạc, đơn sơ, nhưng hương vị độc đáo, khó tìm ở nơi khác.

…và bông điên điển là những món rau, cỏ đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: M.Dung.

Mùa bông điên điển cũng là mùa cá linh. Cá linh đầu mùa đổ về kênh rạch bơi thành đàn, nhiều tới mức chỉ một mẻ lưới cũng kiếm được vài chục ký. Chọn những con cá linh “non”, cỡ ngón tay út, cho vào nồi lẩu me, nêm nếm vừa độ chua, cay, nặm, ngọt. Trên bàn, bày sẵn một thau bông điên điển vàng tươi, ăn chừng nào, nhúng chừng đó… Món này chỉ độc nhất bông điên điển, nếu kèm theo thêm loại rau khác sẽ át mất mùi thơm nồng, vị đặc trưng của điên điển.

… Còn nhiều loại rau rừng khác đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Nhưng bốn loại rau dại kể trên được xem là tiêu biểu cho đất rừng Phương Nam này. Cuộc sống đã nhiều đổi thay, kinh tế phát triển, những món ăn nghèo vùng nông thôn nay đã trở thành đặc sản. Dù mâm cơm thức ăn thịnh soạn, người đô thị thỉnh thoảng vẫn thèm bữa rau cỏ dại vùng kênh rạch Nam Bộ, gợi nhớ quá khứ xa xăm về một miền quê trù phú lắm đặc sản.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *