Bên bờ hạnh phúc

Đúng 20 giờ đêm 27.3, cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010 mở màn với đội Bồ Đào Nha, sau đó là Nhật Bản rồi Việt Nam; đêm 28.3 là phần trình diễn của hai đội Hoa Kỳ và Pháp. Đây là những đội có đẳng cấp quốc tế, hứa hẹn đem lại cho cuộc thi những màn trình diễn ấn tượng.

Trong hai ngày 27 và 28.3 năm ngoái, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2009, với sự tham gia của 5 nước: Tây Ban Nha, Úc, Philipinnes, Trung Quốc và Việt Nam. Kết quả chung cuộc đội Trung Quốc đoạt giải nhất, đội Tây Ban Nha và Úc lần lượt đoạt giải nhì và ba. Trong ảnh là pháo hoa Trung Quốc. Ảnh TTXVN

Đội Bồ Đào Nha bám sát chủ đề Huyền thoại sông Hàn của ban tổ chức qua kịch bản Rồng và lửa – nơi truyền thuyết khai sinh kéo dài 30 phút, tái hiện lịch sử dòng sông. Pedro Goncalves, người thiết kế cho đội Bồ Đào Nha nói: “Mỗi quả pháo, mỗi màu sắc để kết hợp, mỗi hiệu ứng đều được lựa chọn kỹ lưỡng giúp công chúng cảm nhận, nghe và chiêm ngưỡng hình ảnh rồng tiên đang làm nên huyền thoại một lần nữa”. Pedro Goncalves khẳng định: “Đó sẽ là một màn biểu diễn độc nhất vô nhị!”

Đội pháo hoa Tamaya Kitahara – Nhật Bản mang đến bài biểu diễn dựa trên nền nhạc và ánh sáng của kịch Nô và hoa anh đào, kéo dài 24 phút 30 giây. Với kinh nghiệm thực hiện hơn 150 màn trình diễn pháo hoa mỗi năm trên khắp thế giới, đội pháo hoa đến từ xứ sở mặt trời mọc sẽ tạo nên những hình ảnh rồng bay lên trời cao bằng pháo vàng; rồng đẻ trứng bằng pháo hiệu ứng hình tròn; tạo hình ảnh núi ngũ hành (Hoả, Thuỷ, Mộc, Kim, Thổ) bằng pháo hiệu ứng ngôi sao theo năm kiểu khác nhau; diễn tả sự phát triển của ngũ hành bằng cách bắn từ năm địa điểm khác nhau; thể hiện hình ảnh một cảng biển sôi động với các loại tàu lớn nhỏ bằng pháo hoa với kích thước khác nhau; diễn tả sự phát triển hai bên bờ sông thành phố bằng cách bắn pháo từ hai điểm khác nhau.

Với chủ đề Huyền thoại sông Hàn, đội chủ nhà Đà Nẵng – Việt Nam trình diễn năm phần giới thiệu dòng sông Hàn từ thuở khai thiên lập địa gắn liền với bản sắc văn hóa một vùng đất đến những năm tháng dòng sông chìm trong đạn lửa rồi những ngày dựng xây của một Đà Nẵng nhiều khát vọng. Ông Bùi Chí Đức, thành viên đội Việt Nam nói: trong lần trình diễn này, nhiều hiệu ứng đặc biệt mới lạ sẽ được sử dụng, nhưng chúng tôi muốn giữ bí mật này đến phút cuối. Hãy chờ xem!

Đội Pyrotecnico – Hoa Kỳ: trong khi các đội khác đều sử dụng âm nhạc nhẹ nhàng, đằm thắm, đội Hoa Kỳ sử dụng rock n’ roll hiện đại. Ông Rocco Vitale, đội trưởng nói: Chúng tôi gắn kết pháo hoa với người xem bằng dòng nhạc rock n’ roll sôi động. Chúng tôi đến Đà Nẵng để mang tới sự vui vẻ và cảm giác thú vị. Sông Hàn nối kết mọi người, cũng như rock n’ roll vậy.

Huyền thoại tiên Âu Cơ và Rồng vàng là chủ đề màn trình diễn của đội Jacques Couturier Organisation – Pháp. Kéo dài 20 phút 30 giây, đây là câu chuyện kể về nàng tiên Âu Cơ xuống hạ giới và không thể trở về thiên đình. Nàng buồn khóc và nước mắt của nàng tuôn chảy thành dòng sông Hàn. Rồi một ngày, tình cờ nàng gặp một chàng hoàng tử đẹp trai, nàng không còn cảm thấy cô đơn nữa. Pháo hoa được đội Pháp sử dụng có hai chức năng chính là tường thuật và thể hiện tình cảm. Đôi khi, nó cũng được dùng để minh họa cho câu chuyện. Ví dụ khi đến cảnh nước mắt Âu Cơ chảy thành một dòng sông đổ ra biển lớn thì lúc này pháo hoa là để thể hiện cảm xúc của nàng tiên.

Pháo hoa của đội Tây Ban Nha, giải nhì năm 2009. Ảnh TTXVN

Chỗ xem

Gần một triệu người Đà Nẵng sẽ đổ ra đường dọc hai bờ sông Hàn, và cũng gần chừng đó người của các tỉnh lân cận cộng với du khách vài chục ngàn người nữa nhưng chỉ có 26.000 chỗ ngồi được thiết lập. Không như xem pháo hoa dịp giao thừa, có thể xem bất cứ đâu, xem pháo hoa trong cuộc thi quốc tế này nếu không nghe được phần nhạc sẽ mất đi cái hay gần một nửa. Vì vậy vé chợ đen từ 200.000 đồng đến chiều 25 đã lên đến 500.000 đồng vé và sẽ còn lên cao nữa.

Dọc hai bờ sông Hàn là hai con đường rộng Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo đủ sức chứa hàng triệu người và ở đây cũng có nhiều cao ốc khách sạn là những điểm xem tốt. Nếu vào thời điểm này năm ngoái, các chỗ trên đều thông báo hết chỗ, hoặc “treo” giá một triệu đồng/bàn (chưa tính tiền đồ ăn, nước uống), thì nay, đa số các quán ăn vẫn sẵn sàng đón khách mà không tính tiền chỗ ngồi, hoặc tính tiền với giá phải chăng. Quán Seventeen Saloon tính 200.000 đồng/chỗ ngồi có nước uống, khách sạn Varna tính 390.000 đồng/người bao gồm nước uống và thực đơn 6 món. Các quán Vân, Khánh Tâm cho biết khách xem pháo hoa “dùng bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu”.

Ngoài chỗ ngồi ở khu khán đài, trên tầng cao các khách sạn và các quán ăn ven sông, năm nay, người xem pháo hoa còn có thể lựa chọn chỗ ngồi ở du thuyền trên sông và cả… trên núi. Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch vừa đưa ra chương trình “Giải khát và thưởng ngoạn pháo hoa” ở quán cà phê Danang View trên Đài phát sóng DRT thuộc bán đảo Sơn Trà. Tất cả những nơi này đều chuẩn bị hệ thống loa bắt sóng FM để có thể nghe được phần âm nhạc của các màn trình diễn.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *