Bên bờ hạnh phúc

Nói về giếng làng, ông Hứa Ðức Thịnh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sơn Tây, một người rất tâm huyết trong nghiên cứu văn hóa xứ Đoài, say sưa: Giếng làng thường rộng 3-5m, sâu hơn 10m, miệng đặt những tảng đá ong nguyên khối hoặc từng tảng ghép lại, bền chắc mà sạch sẽ. Giếng đá ong thường đặt ở đầu làng, ở giữa xóm hoặc hai bên đình, chùa theo quan niệm là đôi mắt rồng thiêng, nước nguồn không bao giờ cạn. Có thể thấy rõ ở khu vực đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) vẫn còn nguyên hai chiếc, bờ giếng được tạc cả đôi rồng chầu. Cũng ở xã Đường Lâm, làng Đông Sàng đặt giếng ở khuôn viên văn chỉ, vừa đẹp vừa có ý nghĩa khơi nguồn trí tuệ Nho học; ở làng Cam Lâm, phía trước khu lăng mộ Ngô Quyền lại có giếng Nghè. Nước giếng vùng này thường mát về mùa hè, ấm về mùa đông nên dân gian có câu “Nước giếng Nghè – chè Cam Lâm” là vậy.

Khác với vùng đất đá ong bán sơn địa, đa phần giếng làng ở vùng đồng bằng xứ Đoài thường là giếng đất ở trước cửa đình, chùa, đền, miếu để làm minh đường theo phong thủy của đạo Nho. Làng Thượng Hội, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng có ba giếng cổ ở đầu, giữa và cuối làng. Chiếc ở đầu làng hình vuông, tượng trưng cho đất mẹ, chứa muôn ngàn tia sữa, nuôi dưỡng con người và soi bóng ngôi chùa cổ kính. Giữa làng, giếng xây tròn vành vạnh, dân thôn coi đó là hình mặt trời để ngày ngày luôn có ánh dương tỏa chiếu, hòa khí của âm dương làm con người hạnh phúc. Ở cuối làng là chiếc có hình bầu dục, như một tấm gương lớn khúc xạ ánh mặt trời, phản chiếu điều lành soi sáng cho cả làng. Giếng được xây gạch cẩn thận, có bậc lên xuống để gánh nước, tường xây gạch bao quanh, bệ thờ thần giếng vững chắc.

Giếng đá ong xóm Miễu, làng Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây.

Huyện Hoài Đức xưa có vùng Kẻ Giá (nay thuộc xã Yên Sở) còn gọi làng Dừa, từ xưa nổi tiếng với “Đình không xà, làng bảy mươi ba cái giếng”. Hiện xã chỉ còn gần 20 cái giếng cổ. Mỗi cái có một phiến gỗ lim dày, to lát đáy, xung quanh xếp đá quây tròn, không có hồ vữa mà vẫn chắc chắn. Giếng sâu độ 4-5m, bờ trên xây gạch vòng quanh. Cạnh đó có miếu thờ thần linh. Vào tuần rằm, mùng một hằng tháng, dân làng thường mang lễ vật dâng cúng, cầu may…

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì thuở xưa giếng làng là nơi cung cấp nước sinh hoạt, là nơi gìn giữ sự sạch sẽ của cả cộng đồng. Ðến tuần tiết, dân làng lấy nước giếng để lễ Phật, tế thành hoàng. Ngày hội làng, cũng nước giếng ấy được dùng để tắm thánh (điển hình là lễ Mộc dục ở chùa Thầy).

Sức ép của quá trình đô thị hóa

Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sơn Tây Hứa Đức Thịnh thì cây đa, giếng nước, sân đình thật quý, nhưng cây đa, đình chùa đã nằm trong danh mục được kiểm đếm, bảo tồn, chỉ còn mỗi giếng nước chịu phận “hẩm hiu”. Vì vậy mà Sơn Tây có nhiều giếng cổ bậc nhất xứ Đoài nhưng nay không có thống kê còn bao nhiêu, cũng như không thể biết có bao nhiêu giếng đã bị lấp đi hoặc biến thành nơi thả cá, chăn vịt (?). Xã Hạ Mỗ (Đan Phượng), dù là một trong những địa phương hăng hái bảo tồn giếng cổ, nhưng nay phần lớn giếng cổ của Hạ Mỗ đã bị… lấp.

Ông Đỗ Văn Thúy, Trưởng phòng VH-TT huyện Hoài Đức cho biết: Giếng cổ có cấu trúc độc đáo được nhiều người biết đến nhất nằm trong khuôn viên di tích Linh Tiên Quán (xã Đức Thượng). Tương truyền, giếng có từ hàng nghìn năm nay và là nơi các vị thần thánh luyện linh đan. Trong kháng chiến trước đây, giếng Linh Tiên Quán là nơi trú ẩn an toàn cho hàng trăm du kích và người dân. Đáng tiếc là hiện nay giếng cổ mang đậm huyền thoại này hầu như bị bỏ quên, không còn nước…

Ông Nguyễn Tọa – người tích cực “đấu tranh” bảo tồn giếng làng Hạ Mỗ, hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội trăn trở: “Giờ thì không ai dùng nước giếng làng sinh hoạt nữa rồi. Nhưng cũng như bao vốn cổ khác, giếng cổ cũng có số phận, có sự tích nên có ý nghĩa văn hóa lớn, nếu để mất sẽ chẳng còn nét cổ của làng”. Ông càng có lý khi cho rằng vùng ngoại thành của Hà Nội cũ như Gia Lâm, Ðông Anh, Sóc Sơn… từng có khá nhiều giếng cổ bị mất dần trong quá trình đô thị hóa, bộ mặt nông thôn đã đổi khác. Nhiều vùng đất của Hà Nội mở rộng cũng sẽ phát triển tương tự, trong việc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống hãy đừng quên những giếng làng cổ kính.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội Nguyễn Đức Hòa, thừa nhận: “Đúng là từ trước đến giờ giếng cổ chưa được xếp vào danh mục kiểm kê di tích, do đó giếng cổ không thuộc trách nhiệm quản lý của ngành văn hóa, bởi ngành văn hóa chỉ có trách nhiệm kiểm kê và quản lý các di tích đã được xếp hạng hoặc nằm trong danh mục kiểm đếm”. Như vậy, giếng cổ trong cộng đồng không phải di tích nên chính quyền địa phương không có trách nhiệm gìn giữ. Với cách nghĩ như vậy thì hệ thống giếng cổ xứ Đoài, những hình ảnh rất đỗi thân thuộc đã đi vào thơ ca, nhạc họa sẽ đi về đâu? Câu trả lời còn bỏ ngỏ.

Theo Đất Việt Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *