Bên bờ hạnh phúc

Quy định chức danh GS, PGS không phải "chạy theo" mà là phù hợp với thực tế. Sau 2 năm công nhận đạt tiêu chuẩn xem xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS nhưng không được đề xuất thì việc công nhận hết giá trị. Khi được bổ nhiệm GS, PGS rồi nhưng quá trình làm việc không đáp ứng yêu cầu sẽ bị miễn nhiệm không kể thời hạn…

GS Đỗ Trần Cát, nguyên Tổng Thư ký hội đồng chức danh GS Nhà nước cho biết như vậy về những quy định mới về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS.

Sao lại phân biệt GS?

GS Đỗ Trần Cát.

Thưa ông, quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh GS, PGS có những tiến bộ gì?

– Tiến bộ hơn là đã đi theo hướng để GS, PGS gắn với cơ sở GD, gắn với nhiệm vụ, quyền lợi.

Điều này thể hiện ở chỗ: Thủ trưởng cơ sở đó chọn và đề nghị bổ nhiệm. Sau khi được Bộ trưởng bổ nhiệm, thủ trưởng phải giao nhiệm vụ, phải trả lương và phải tạo mọi điều kiện cho GS, PGS làm việc.

Khác với trước đây, sau khi được công nhận xong, các GS, PGS với tư cách chức danh GS, PGS làm gì thì không ai quản l‎ý .

Quy định mới này đã tiến được 1 bước là GS, PGS gắn với cơ sở GD. Nếu tiến thêm bước nữa là giao cho trường bổ nhiệm, thì khi đó, GS, PGS sẽ gắn hoàn toàn với cơ sở GD.

Nhưng hiện nay chưa làm được việc này. Năm 2006, trong văn bản đề nghị sửa đổi Nghị định 20 (quy định về GS, PGS cũ – NV), chúng tôi cũng đề xuất: giao cho trường bổ nhiệm.

Vì sao chưa giao cho hiệu trưởng các trường bổ nhiệm chức danh GS, PGS?

– Các trường không giống nhau về trình độ, tổ chức, chất lượng đội ngũ thầy giáo.

Mặt khác, giao cho trường bổ nhiệm lại vướng quy định, thủ trưởng cơ sở GD-ĐT chỉ có chức năng bổ nhiệm công chức, viên chức cấp thấp; không được bổ nhiệm công chức, viên chức cấp cao. Mà GS, PGS ngang chuyên viên cao cấp. Chuyên viên cao cấp phải do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm.

Tại sao trước mắt không xem xét giao cho một số trường đủ mạnh nhận nhiệm vụ bổ nhiệm?

– Thực tế, cũng có ý kiến đề xuất giao cho 1 số trường, như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội… Còn một số trường khác, do Bộ trưởng bổ nhiệm.

Nhưng một luồng khác đặt vấn đề, tại sao ông GS này được Bộ trưởng bổ nhiệm, còn ông kia thì Thủ trưởng cơ sở GD bổ nhiệm. Như thế thì phân biệt GS.

Do vậy, giai đoạn này cứ để đồng nhất chung: Bộ trưởng bổ nhiệm chức danh GS, PGS.

Thực tế, Bộ trưởng cũng chỉ bổ nhiệm trên cơ sở những người được cơ sở GD đề xuất lên.

Mặt khác, những người trong danh sách được công nhận đủ tiêu chuẩn rồi thì có quyền đầu đơn vào bất kỳ trường nào nếu trường đang giảng dạy không đề xuất bổ nhiệm.

Xét duyệt nhiều?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trao chứng nhận chức danh GS năm 2008.

Nghĩa là, trường đề xuất 5 người thì Bộ trưởng sẽ bổ nhiệm 5 người?

– Với danh sách trường đề xuất, Bộ trưởng có thể bổ nhiệm tất hoặc không.

Lại sẽ có thêm một bộ phận giúp Bộ trưởng để đánh giá lại các ứng viên đã được công nhận GS, PGS?

– Có thể không xét về chuyên môn vì HĐCDGSNN đã làm rồi, mà chỉ xét về góc độ cơ cấu tổ chức, nhân sự,… Bộ phận này chỉ thẩm định chứ không xét.

1 ứng viên muốn được công nhận chức danh, đầu tiên phải nộp hồ sơ để hội đồng chức danh cơ sở xét, rồi phải qua 2 nấc nữa ở cấp ngành, liên ngành và cấp Nhà nước. Đến khi xét bổ nhiệm, lại lấy ý kiến từ hội đồng khoa học ở cơ sở ĐH. "Hội đồng khoa học cơ sở" này khác "hội đồng chức danh GS cơ sở" như thế nào?

– Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi cũng đã bàn mãi xem có cần khâu này không. Nhưng cuối cùng thì vẫn để lại, vì có những ứng viên ở nơi khác đến, cho nên phải lấy ý kiến bộ môn, khoa và Hội đồng khoa học. Như vậy, đây không phải là hệ thống xét duyệt tiêu chuẩn, chỉ thuộc quy trình tuyển dụng.

Khó hay thừa?

Thưa ông, xuất phát từ đâu khi đưa quy định GS phải hướng dẫn 2 NCS chính đã bảo vệ tiến sĩ, PGS phải hướng dẫn 2 thạc sĩ?

– GS thì phải đứng đầu một nhóm nghiên cứu. Thậm chí còn cao hơn là phải có hướng nghiên cứu riêng, tức là GS phải có học trò. Không những thế, trong bộ môn, phải đứng đầu bộ môn. Hướng dẫn được 1 người là ít quá.

Đặt ra yêu cầu này là kiểm tra khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học của ứng viên. Biểu hiện của khả năng ấy là phải đào tạo ra một số tiến sĩ.

Nhưng với quy định "hướng dẫn 2 tiến sĩ", ở Việt Nam đối với một số ngành là khó vì có ít nghiên cứu sinh.

Tiêu chuẩn này chỉ áp dụng từ 01/01/2011.

Một số bạn đọc trẻ phản ánh với chúng tôi, nếu tính số điểm công trình dựa theo các bài báo, phần lớn đăng ở tạp chí khoa học quốc tế, thì họ thừa điểm cho chức danh PGS, nhưng lại thiếu các điều kiện khác như hướng dẫn thạc sĩ, nên cuối cùng chức danh PGS với mãi chẳng tới. Vậy, "nâng cấp" tiêu chuẩn phải hướng dẫn thạc sĩ, nghiên cứu sinh từ 1 lên 2 có góp phần làm "già hóa đội ngũ"?

– Theo một khảo sát của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, đội ngũ GS, PGS được công nhận mặc dù tuổi vẫn còn cao nhưng đã được trẻ hóa khá nhiều. Cụ thể, những người đang làm việc ở thời điểm tháng 11 năm 2004, có 38,5% GS dưới 60 tuổi, 49,5% PGS dưới 55 tuổi. Còn số được công nhận trong 7 đợt, từ năm 2001 đến 2007, có 68,3% GS dưới 60 tuổi; 81,3% PGS dưới 55 tuổi.

Ông cho rằng thêm tiêu chuẩn "giao tiếp bằng tiếng Anh" là khó hơn, còn GS Hoàng Tụy lại cho rằng tiêu chuẩn này không cần thiết…

– Trong quá trình hội nhập, cần phải đem được kiến thức, thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Ai sẽ là người làm việc đó nếu không phải các GS, PGS? Khi đi giao tiếp với bên ngoài, phải nói được bằng tiếng Anh.

Giao tiếp được nghĩa là, ít nhất, phải trình bày và hiểu được ý của người khác trong những vấn về chuyên môn và trong những vấn đề thông thường bằng tiếng Anh.

Thực tế những năm qua, ở các Hội đồng chức danh giáo sư đã thực hiện xác định trình độ ngoại ngữ của ứng viên. Có một số người trượt vì không qua được khâu giao tiếp bằng ngoại ngữ. Ở những lần xét sau, trong những năm gần đây, chúng tôi thấy trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của các ứng viên đã được nâng lên.

Vậy thế nào là "giao tiếp được bằng tiếng Anh"?

– Sau quy định này, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về thế nào là giao tiếp được bằng tiến Anh.

Trên thực tế, quy định giao tiếp được bằng tiếng Anh chỉ là bước quá độ. Để đạt mục đích hội nhập cần quy định cao hơn. Trong dự thảo trình năm 2006, ban soạn thảo có đề xuất ở mức thành thạo tiếng Anh trong chuyên môn.

Liệu quy định "có báo cáo khoa học tổng quan được trình bày như một bài báo khoa học" có phải là "vẽ việc" cho ứng viên? Thực tế, hồ sơ khoa học của họ là bằng chứng đầy đủ về năng lực của họ rồi?

– Quy định có báo cáo khoa học tổng quan được trình bày như một bài báo khoa học là để xác định xem ứng viên có thực sự là tác giả của các công trình khoa học hay chỉ là ăn theo.

Một số nhà khoa học nhận thấy quy định GS phải "biên soạn sách sử dụng trong đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành" là một tiêu chuẩn thừa. Lý do là vì nhiều sách sử dụng trong đào tạo ĐH hoặc chỉ là sách dịch, hay copy, nhất là giáo trình cơ sở, không đặt nặng yêu cầu về chất lượng khoa học. Mặt khác, có nhiều nhà nghiên cứu thừa điểm khoa học nhưng chưa viết sách cho đào tạo ĐH sẽ thuộc diện bị loại bởi tiêu chí này.

– Với PGS, không quy định phải viết sách, nhưng đối với GS thì yêu cầu. Thực tế là ở Việt Nam chưa có GS nghiên cứu. Còn, tham gia giảng dạy ở ĐH, thì phải viết được sách. Viết sách là một biểu hiện khả năng sư phạm.

Thưa ông, nếu đánh giá khả năng khoa học của ứng viên thì đã có nhiều tiêu chí như hướng dẫn NCS, hồ sơ khoa học,v.v… Còn nếu để đánh giá khả năng sư phạm của ứng viên thì ở khoản 8, điều 1, chương II nêu rõ: "Có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thực hiện". Vậy tiêu chí này có thực sự cần thiết?

– Yêu cầu "có đủ tiêu chuẩn của nhà giáo" là yêu cầu tối thiểu, còn GS thì trình độ sư phạm phải cao hơn.

Công nhận: Chỉ có giá trị 2 năm

Theo quy định mới này, có những điều khoản phải đợi đến năm 2011 mới thực hiện để "chờ" các ứng viên hội đủ tiêu chuẩn, như chờ học tiếng Anh, chờ có thêm thạc sĩ, nghiên cứu sinh để hướng dẫn. Thưa ông, vậy là các tiêu chuẩn GS, PGS của ta luôn chạy theo sau thực tế?

– Đây không phải là "chạy theo" mà là phù hợp với thực tế.

Sau 7 năm công nhận, mới thấy Nhà nước miễn nhiệm được 1 trường hợp do vi phạm đạo đức. Quy định mới này có thay đổi gì về miễn nhiệm hay không?

– Theo quy chế này, sau 2 năm công nhận đạt tiêu chuẩn xem xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS nhưng không được đề xuất thì việc công nhận hết giá trị. Khi được bổ nhiệm GS, PGS rồi nhưng quá trình làm việc không đáp ứng yêu cầu sẽ bị miễn nhiệm không kể thời hạn.

Có nội dung nào trong quá trình soạn thảo khi đề xuất đã không được chấp nhận?

– Chúng tôi có đề xuất GS, PGS được hưởng ngạch lương riêng, nhưng không thể đưa vào văn bản này được. Điều này, có lẽ phải đợi sau một số năm nữa.

– Xin cảm ơn GS !

Theo Hạ Anh – Kiều Oanh (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *