Bên bờ hạnh phúc

Sáng 28/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Hội nghị giao ban về công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

 

 

 

Báo cáo của các bộ, ngành và địa phương tại Hội nghị cho thấy, những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được các địa phương triển khai hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã chủ động có những giải pháp ứng phó phù hợp với hạn, mặn.

Đối với sản xuất lúa, tổng diện tích xuống giống vùng ĐBSCL là 1.590.500 ha, tăng 28.200 ha; năng suất ước đạt 67,3 tạ/ha, giảm 3,9 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10.707.000 tấn, giảm 424.000 tấn so với Đông Xuân 2014-2015.

Vụ lúa Đông Xuân 2015-2016: Diện tích thiệt hại 96.369 ha, trong đó 42.100 ha thiệt hại trên 70% năng suất. Vụ lúa Hè Thu 2016: Diện tích thiệt hại 8.133 ha, chủ yếu trên lúa Xuân Hè xuống giống sớm vào tháng 2 và đầu tháng 3 tại Tiền Giang và Sóc Trăng, trong đó 6.439 ha thiệt hại trên 70% năng suất.

Tổng diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn là 9.427 ha, cùng với đó khoảng 258.000 cây giống bị thiệt hại, chủ yếu của huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre).

Về nước sinh hoạt, đến nay, khoảng 225.800 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, trong đó nặng nhất là Bến Tre với 86.200 hộ, Sóc Trăng 43.000 hộ, Kiên Giang 25.000 hộ. Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng nhu cầu hỗ trợ đối với nước sạch trong vùng hiện nay khoảng 330 tỉ đồng.

Về thủy sản, do độ mặn tăng cao, có khoảng 2.000 ha nuôi tôm quảng canh bị thiệt hại tại các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau và Bạc Liêu.

Thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Để đối phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều hội nghị, cuộc họp với các địa phương, đi kiểm tra thực địa tại các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn nặng. Theo tổng hợp của Bộ NN&PTNT, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang được các bộ, ngành và địa phương nghiêm túc thực hiện.

Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều đoàn công tác của lãnh đạo Bộ để làm việc cụ thể với các địa phương bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống, giúp địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về tăng cường thực hiện tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, dịch chuyển thời vụ, phòng, chống cháy rừng…

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương, trong đó, các địa phương khu vực ĐBSCL đã được hỗ trợ tổng cộng 249,9 tỉ đồng. Cụ thể, 166,4 tỉ đồng đã được chi cho các địa phương để hỗ trợ tiền điện, dầu bơm nước vượt định mức, kinh phí nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh trục. 83,5 tỉ đồng được sử dụng cho một số nội dung hỗ trợ mở rộng gồm: Đắp đập tạm, đào ao, giếng; vận chuyển nước sinh hoạt; sửa chữa khẩn cấp công trình, nối dài đường ống cấp nước sinh hoạt.

Theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và các giải pháp ứng phó; trong đó, đã đề xuất, kiến nghị bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện các dự án quy mô lớn, hệ thống thủy lợi lớn liên tỉnh phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đầu tư cho các công trình thủy lợi trọng điểm phòng, chống hạn hán, kiểm soát mặn chưa có nguồn vốn ở khu vực ĐBSCL.

Các địa phương đã tổ chức các giải pháp cụ thể để bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Các tỉnh ủy, UBND các tỉnh đã ban hành chỉ thị, xây dựng và triển khai kế hoạch hoặc phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giúp đỡ, hỗ trợ người dân phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.

Các địa phương cũng đã thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, tăng cường các điểm đo mặn, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng đến  huyện, xã, ấp và người dân để chủ động lấy nước, tích trữ nước phục vụ sản xuất, dân sinh.

Lịch thời vụ Đông Xuân 2015-2016 sớm hơn từ 20 đến 30 ngày so với lịch vụ hằng năm để tránh mặn, đồng thời khuyến cáo nhân dân sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn, mặn.

Một số địa phương đã chủ động ứng trước vốn dự phòng, sử dụng kinh phí địa phương để triển khai các giải pháp như: Đắp đập tạm, nạo vét kênh mương, tổ chức bơm chuyền. Các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang đã thực hiện giải pháp đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt rất hiệu quả. Tỉnh Tiền Giang đã đầu tư hệ thống thuyền bơm công suất 32.000 m3/h để bơm nước ngọt bổ sung cho vùng ngọt hóa Gò Công và tổ chức bơm chuyền 2 đến 3 cấp tại nhiều vị trí.  

Một số tỉnh cũng đã tổ chức vận chuyển, lắp đặt các điểm cấp nước công cộng tại các khu vực thiếu nước ngọt để hỗ trợ, phục vụ người dân vùng thiếu nước nghiêm trọng. Tỉnh Bến Tre đã triển khai phương án chuyển nước ngọt bằng sà lan cho các vùng thiếu nước sinh hoạt; tỉnh Sóc Trăng đang triển khai các phương án cấp nước, tổ chức các điểm cấp nước công cộng miễn phí và hỗ trợ máy lọc nước đến các hộ ở các vùng bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Những nhiệm vụ cấp bách

Để đối phó với xâm nhập mặn khả năng còn diễn biến phức tạp, bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất, dân sinh vụ Hè Thu năm 2016, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn; tổ chức kiểm tra, đo đạc, dự báo độ mặn tại từng cửa lấy nước, tranh thủ thời gian độ mặn cho phép, vận hành ngay các công trình thủy lợi để lấy nước, tích trữ nước tối đa vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh.

Đối với sản xuất lúa, cần tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới lúa Hè Thu sớm đã xuống giống, đặc biệt tưới đủ nước trong các lần bón phân và giai đoạn làm đòng, trỗ; tập trung gieo trồng vụ Hè Thu chính vụ ở những vùng có nguồn nước ngọt ổn định; các vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định, có thể xem xét xuống giống trong tháng 4, tháng 5 trên cơ sở rà soát, đánh giá nguồn nước, chỉ xuống giống khi có phương án bảo đảm đủ nước tưới; các vùng đang bị nhiễm mặn và không có nguồn nước ngọt thì phải chờ mưa mới xuống giống.

Cùng với việc triển khai vụ Hè Thu, cần chuẩn bị các điều kiện đẩy mạnh sản xuất vụ Thu Đông nhằm bù đắp sản lượng lúa bị thiệt hại trong vụ Đông Xuân, trong đó, phải triển khai sớm việc tu bổ, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, bảo đảm bảo vệ tuyệt đối cho lúa trong mùa lũ. Đối với các diện tích trồng cây lâu năm ở vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định, cần lắp đặt bổ sung các trạm bơm dã chiến, tranh thủ vận hành khi có nước ngọt để tích trữ và tưới.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới người dân; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tranh thủ lấy, trữ nước và sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

Các địa phương cũng sẽ tổng hợp, rà soát để đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vụ Hè Thu 2016 cho các địa phương; ưu tiên kinh phí đầu tư các công trình chống hạn cho các địa phương vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn. 

 
Nguồn: Xuân Tuyến ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *