Bên bờ hạnh phúc

Nhiều khu vực bán bánh tập trung ở TPHCM treo bảng của những thương hiệu nổi tiếng nhưng thực chất bán lẫn lộn bánh của các cơ sở nhỏ, kể cả bánh dỏm không nhãn mác

Còn gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu (rằm tháng 8 âm lịch) nhưng nay bánh trung thu dỏm đã tràn ra đường với giá rẻ bất ngờ. Cách quảng bá và đóng gói nhập nhèm của nhiều điểm bán khiến người mua rất dễ bị nhầm lẫn.

Bánh trung thu không thương hiệu bán tràn ngập ở chợ Bình Tây – TPHCM. Ảnh: XUÂN THẢO

Vỏ thật, ruột dỏm

Tại khu vực đường Cao Xuân Dục, quận 8, bánh trung thu “ba không” (không nhãn mác, không hạn sử dụng, không địa chỉ sản xuất) bày bán la liệt. Người bán giới thiệu bánh một trứng 250 g, giá 30.000 đồng/cái, mua nguyên hộp 4 cái được giảm còn 110.000 đồng. Chúng tôi đang chần chừ thì người bán giảm tiếp còn 100.000 đồng. Chúng tôi trả 80.000 đồng, người bán đồng ý ngay.

Dọc theo Quốc lộ 50 từ khu vực Bến xe quận 8 nối sang huyện Bình Chánh, bánh trung thu nhãn hiệu lôm côm, kể cả bánh “ba không” cũng được bán ven đường khá nhiều, trong đó có cả hàng in nhái mẫu chữ của bánh trung thu Kinh Đô. Còn tại khu vực Chợ Lớn (gần Bến xe Chợ Lớn, quận 6), bánh trung thu của một số cơ sở còn nhái cả logo hình chiếc vương miện của Kinh Đô khá giống. Phần lớn các khu vực bán bánh dỏm đều treo bảng hiệu Kinh Đô, Đồng Khánh, Bibica nhưng bên trong đều là bánh của các cơ sở nhỏ hoặc bánh “ba không”.

Tại những khu vực ngoại thành, nhất là dọc theo các tuyến đường cửa ngõ giao thông vào TPHCM như Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, bánh dỏm cũng mặc sức tung hoành. Các điểm bán tập trung ở đây treo bảng Kinh Đô, Đồng Khánh rợp trời nhưng bên trong bán lẫn với bánh của các cơ sở nhỏ. Trên bao bì có ghi nhãn hiệu Đồng Khánh nhưng đều kèm theo hàng loạt chữ khác, kể cả chữ viết tắt. Chưa hết, bánh dỏm còn bán lưu động bằng xe ba bánh, xe tải nhẹ tập trung nhiều tại các khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc chỉ dựng lên cây dù và bày bánh ra khay bán ven đường.

Những người bán bánh dọc theo Quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn) giới thiệu với khách toàn là bánh Kinh Đô nhưng chỉ bán… 10.000 đồng – 30.000 đồng/cái, mua nhiều còn được giảm giá đến 30% – 50%! Bánh giá rẻ này thuộc dạng “ba không”, trên bao bì chỉ ghi chữ “Moon cake” và một số chữ Hoa, hạn sử dụng ghi là 30 ngày nhưng không ghi ngày sản xuất.

Làm ăn chụp giật

Khảo sát tại chợ Bình Tây – quận 6 cho thấy bao bì từ hộp bánh trung thu cho đến bao nhựa gói từng chiếc bánh đều có bán tại đây. Ông Hứa Hồng, chủ một sạp ở chợ, cho biết nhiều cơ sở làm bánh đến đây đặt hàng số lượng lớn với giá bao gói nhựa chỉ 70.000 đồng – 80.000 đồng/kg; còn hộp giấy, túi xách từ 30.000 đồng – 50.000 đồng/kg, tùy loại. Chưa hết, bánh trung thu thuộc loại hàng xá (không bao bì) cũng được bày bán ở khu vực Chợ Lớn.

Ông Huỳnh Tâm, chủ một cơ sở bánh, cho biết đến mùa bánh trung thu, một số người nhảy vào làm ăn theo kiểu chụp giật. Họ mua bánh xá hoặc đến cơ sở nào đó đặt hàng giá rẻ mang về tự đóng gói rồi tung ra thị trường. Có người còn tạo niềm tin bằng cách in cả nhãn hiệu và địa chỉ “ma” để đánh lừa người tiêu dùng. Họ còn đưa cả gói hút ẩm, chống mốc thuộc loại hàng độc hại mua ở chợ Kim Biên (quận 5) vào.

Nhân bánh làm sẵn từ Trung Quốc

Thông tin từ một số cơ sở sản xuất bánh ở TPHCM cho thấy nhân bánh làm sẵn được một số người đến tận cơ sở làm bánh để chào hàng với giá rất rẻ. Nhân bánh đậu xanh, hạt sen, sô-cô-la, khoai tây, khoai môn, mè, khoảng 40.000 đồng – 45.000 đồng/kg; còn nhân thập cẩm từ 70.000 đồng – 75.000 đồng/kg. Người bán giới thiệu là hàng nhập từ Đài Loan hoặc một số nước Đông Nam Á nhưng trên bao gói đều không có nhãn mác, xuất xứ. Tuy nhiên, theo những người am hiểu, loại nhân làm sẵn này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhân làm sẵn có mùi thơm nồng hơn so với nhân của các cơ sở trong nước sản xuất do có sử dụng chất tạo mùi và phụ gia.

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *