Bên bờ hạnh phúc

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ, xứng với tiềm năng và thế mạnh của đất nước, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi sự quyết tâm đồng lòng không chỉ của các Bộ ngành, địa phương mà ngay từ những cử chỉ, việc làm nhỏ nhất của mỗi người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ngành Du lịch, tối 8/7. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Tại lễ kỷ niệm 55 năm thành lập ngành Du lịch, tối 8/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, trân trọng cám ơn các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành Du lịch cùng tất cả các tổ chức, cá nhân cùng bạn bè quốc tế đã góp công, góp của vào sự phát triển của ngành Du lịch.

Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản về vai trò, tầm quan trọng, quan điểm, định hướng, các giải pháp phát triển du lịch. Ngay Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch cũng thêm một lần nữa yêu cầu các Bộ ngành, các  địa phương, kêu gọi cộng đồng thực hiện rất nhiều công việc cụ thể. Từ việc hoàn thiện chính sách thị thực xuất nhập cảnh, xúc tiến thương mại, thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho tới việc giải quyết vấn đề quản lý giá cả, vệ sinh, an toàn…

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Vấn đề là tổ chức thực hiện, hành động với trách nhiệm, quyết tâm của mỗi cơ quan, tổ chức, DN và của mỗi chúng ta. Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ cho được những vướng mắc, khó khăn cụ thể về cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi thực sự cho du lịch phát triển.

“Đừng để còn tình trạng tuy ủng hộ chủ trương cần sửa đổi, bổ sung các quy định cho thông thoáng, thuận lợi hơn nhưng liên quan đến quy định thuộc trách nhiệm của ngành mình, cơ quan mình thì lại không thay đổi. Đừng để tình trạng tổ chức hội nghị, hội thảo, ban hành văn bản rồi là coi như đã hoàn thành nhiệm vụ mà không có hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra sát sao”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh đến tinh thần phải hành động cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cấp chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, thực sự để tạo chuyển biến rõ nét trên địa bàn mình. Trước hết là những việc cụ thể nêu trong Chỉ thị số 14/CT-TTg. Và cần nhìn thẳng vào những yếu kém, bất cập trên địa bàn, nghiền ngẫm những mô hình, cách làm hay ở các địa phương khác, các nước khác với một niềm nung nấu trong lòng: Tại sao thiên hạ làm được mà mình không làm được?

Phó Thủ tướng nhắn gửi cộng đồng DN du lịch cần chung tiếng nói, hành động, giải pháp để những sáng kiến, cách làm hay được cổ vũ, phát huy; những mô hình kinh doanh du lịch bền vững, vì lợi ích cộng đồng được ủng hộ, nhân rộng. Kiên quyết không để đất, để chỗ cho những DN vì lợi ích riêng, lợi ích nhỏ trước mắt mà làm phương hại tới lợi ích chung, lợi ích lâu dài.

Các hiệp hội, hội, câu lạc bộ DN du lịch thực sự là đại diện cho lợi ích của các thành viên; làm nòng cốt trong mọi hoạt động từ quảng bá, xúc tiến tới nâng cao chất lượng dịch vụ, kỹ năng thực hành…; là địa chỉ kiến nghị chính sách cụ thể, có luận cứ khoa học, pháp lý. Từ đó, phát triển thành những tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, sôi động, có ảnh hưởng và có sức lan tỏa, không phải là nơi, là chốn làm cho vui, “có thì càng tốt, không có cũng chẳng sao”.

Trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2014 cho các DN tiêu biểu, Phó Thủ tướng chia sẻ: Những giải thưởng mà nhiều DN, doanh nhân được trao tặng là sự ghi nhận, động viên của Nhà nước, của cộng đồng. Nhưng giải thưởng trân quý là góp phần tôn vinh  hình ảnh đất nước; phát triển kinh tế; bảo tồn, xây dựng nền văn hóa dân tộc; mang lại lợi ích, niềm vui cho nhiều người.

Phó Thủ tướng kêu gọi mỗi người Việt Nam hãy thể hiện lòng yêu nước, lòng tự trọng, tinh thần dân tộc, trách nhiệm với cha ông và với cả tương lai bằng những cử chỉ, những việc làm thiết thực. Từ nở nụ cười, nói lời cám ơn, xin lỗi, cúi xuống nhặt mẩu rác nhìn thấy trên đường… đến chú ý ăn mặc, không chen lấn, xô đẩy, cố lách, cố vượt lên ở chỗ đông người…

“Những việc làm tử tế, những cử chỉ như vậy, tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng thực sự vô cùng rất quan trọng, và có ý nghĩa không chỉ với ngành Du lịch mà còn với nền văn hóa và con người Việt Nam. Hãy đừng vì những lợi lộc của riêng mình mà bất chấp đạo đức kinh doanh, đạo đức sống, làm phương hại cho người khác, mang tiếng cho ngành Du lịch và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam”.

Ngày 9/7/1960, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản thành lập Công ty Du lịch Việt Nam, tiền thân của ngành Du lịch. Qua 55 năm phát triển, ngành Du lịch đã định hình và trở thành ngành kinh tế với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế -xã hội. Từ 1990-2000 là giai đoạn ngành Du lịch phát triển tương đối mạnh mẽ, giai đoạn từ 2000-2009 là giai đoạn tăng tốc; từ 2010 đến nay là giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng kinh tế-tài chính và bước vào giai đoạn tăng tưởng mới. 

Sau 30 năm đổi mới, ngành Du lịch  đã đạt được những kết quả to lớn, khách quốc tế đến du lịch ở Việt Nam tăng hơn 30 lần, lượng khách nội địa tăng gấp 35 lần so với năm 1990. Doanh thu du lịch từ năm 2000 là 17,4 nghìn tỷ đồng (đóng góp 3,26% GDP); đến năm 2014, con số này tăng lên 230 nghìn tỷ đồng (đóng góp 6% GDP). Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trung bình 18,76%/ năm. Doanh thu ngoại tệ từ du lịch chỉ đứng sau 4 ngành xuất khẩu hàng hoá là dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ sản. 

Cơ sở vật chất, cơ sở dịch vụ, lưu trú phục vụ du khách đã tương đối hiện đại, với hơn 18.600 đơn vị, 336.000 buồng, trong đó có hơn 5.000 khách sạn được xếp hạng, 680 khách sạn hạng từ 3-5 sao với 73.000 buồng.

Lực lượng lao động du lịch tăng tương đối nhanh cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2014, đã có gần 2 triệu lao động làm việc trực tiếp và gián tiếp trong ngành Du lịch, chiếm 3,8% tổng số lao động cả nước.

Du lịch Việt Nam đã bắt đầu hình thành những vùng động lực cho phát triển du lịch. Ví dụ như ở Hà Nôi có tam giác Hà Nội-Hạ Long-Ninh Bình; miền Trung có 2 trung tâm là Bắc Trung Bộ với tâm điểm là Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; Nam Trung Bộ là Nha Trang, Bình Thuận; Đông Nam Bộ là TPHCM, Bà Rịa -Vũng Tàu, phía đồng bằng sông Cửu Long có Cần Thơ, Phú Quốc, Tây Nguyên là Đà Lạt… Lực lượng lao động và hệ thống quản trị của ngành Du lịch được tăng cường đầu tư. Công tác quảng bá xúc tiến được đẩy mạnh. Du lịch Việt Nam dù vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần khắc phục, song tính chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện đáng kể…

Nguồn: Đình Nam ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *