Bên bờ hạnh phúc

5/09, 11:00 am Vĩnh Long tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đời sống cho đồng bào Khmer

Qua nhiều năm thực hiện chương trình 134 và 135 của Chính phủ, nhìn chung, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Vĩnh Long có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn có nhiều hộ dân tộc Khmer đang gặp khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng.

Khám bệnh, cấp thuốc điều trị bệnh cho bà con Khmer (ảnh minh họa).

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội như vận động các hộ gia đình Khmer thay đổi tập quán canh tác từ 1 vụ lúa mùa sang 2 vụ lúa kết hợp với trồng màu hoặc chuyển sang trồng cỏ nuôi bò, hỗ trợ vốn cho bà con phát triển chăn nuôi, trồng nấm rơm, phát triển các ngành nghề truyền thống như đan đát, làm cốm dẹp… Nhờ vậy mà mấy năm gần đây, số hộ nghèo trong vùng dân tộc Khmer của tỉnh giảm dần. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ bà con nghèo vẫn còn khá cao, trên 45%.

Theo khảo sát của ngành chức năng, hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Long còn 45 hộ Khmer có nhu cầu về đất ở, 281 hộ có nhu cầu về đất sản xuất, 1.580 hộ có nhu cầu vốn để chuyển đổi ngành nghề và hơn 700 lao động có nhu cầu học nghề để đi làm công nhân trong nước hoặc xuất khẩu lao động. Thực hiện quyết định 74/2008 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/8/2008, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định số 1622 về kế hoạch hỗ trợ có mục tiêu hàng năm cho việc giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn giai đoạn 2008 – 2010. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch này lên đến hơn 48,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi gần 20 tỷ và vốn vay tín chấp lãi suất 0% là 18,89 tỷ đồng.

Với việc quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hỗ trợ xã hội khác cho vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh, Vĩnh Long hi vọng rồi đây sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của các hộ Khmer ở địa phương.

Hồ Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *