Bên bờ hạnh phúc

Trong bất kỳ lễ hội nào của bà con Khmer, múa luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu. Thời gian qua, để góp phần cùng bà con giữ gìn và phát huy nét văn hóa độc đáo này, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức nhiều lớp múa truyền thống Khmer, vun đắp thêm tình yêu và niềm đam mê của thanh thiếu niên Khmer đối với điệu múa truyền thống của dân tộc mình.

Một tiết mục múa trống Sa dăm. Ảnh: Báo Vĩnh Long

Múa Khmer được chia thành hai hình thái, múa cung đình và múa dân gian. Múa cung đình đòi hỏi người múa phải có sự khổ luyện. Hình thể, tay, chân và cả nụ cười, ánh mắt đều phải tập theo những chuẩn mực cổ điển, người múa phải nhập tâm để khắc họa tâm trạng nhân vật.

Múa dân gian thì ngược lại, không mực thước, trang trọng mà là những động tác thoải mái, lạc quan, yêu đời. Những điệu múa dân gian phổ biến là múa Lâmthôn, Romvông, Saravan, Sadăm, múa gáo dừa…

Người Khmer có thể tổ chức múa ở mọi nơi, từ sân khấu rực rỡ, sân chùa hay sân nhà vào những dịp lễ hội và không có giới hạn người tham gia. Chính vì vậy, dù đã trải qua hàng trăm năm tồn tại cùng nhiều cao trào giải trí hiện đại nhưng điệu múa Khmer vẫn gắn bó mật thiết với đời sống.

Do luôn có chất hóm hỉnh nên múa trống Sadăm và múa gáo dừa là điệu múa thường được thanh thiếu niên Khmer ưu thích hiện nay. Để có thể thực hiện các động tác trong bài múa Sadăm, người múa phải có sức khỏe, sự dẻo dai biết khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu của trống với điệu bộ hình thể. Khi múa, người múa đeo trống trước bụng. Trống vừa là nhạc cụ đệm, vừa là đạo cụ múa.

Múa gáo dừa thì đơn giản hơn, trên tay mỗi người múa cầm một chiếc gáo dừa nhỏ, từng đôi nam nữ quây thành vòng tròn, rồi tản ra thành hàng ngang, hàng dọc, kết hợp tay chân nhịp nhàng cùng nhau vui múa để xua đi nỗi mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả.

Gần đây, bà con Khmer cảm thấy rất phấn khởi khi được Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long kết hợp với Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Bạc Liêu mở lớp năng khiếu múa cho thanh thiếu niên Khmer tại huyện Trà Ôn.

Để bảo tồn, phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật Khmer độc đáo, việc tổ chức những lớp dạy múa là rất cần đối với bà con Khmer nhằm đào tạo đội ngũ diễn viên trẻ, khuyến khích sự tham gia của quần chúng nhân dân, góp phần tạo thêm sự đa dạng và phong phú cho nền văn hoá Việt Nam.

Xuân Hòa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *