Bên bờ hạnh phúc

Tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 khác với thông lệ, lần đầu tiên có cùng lúc 6 bộ trưởng lãnh đạo các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế cùng nhìn lại kết quả đạt được sau một năm đầy biến động.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu. Cả 6 vị bộ trưởng có chung nhận định: Kinh tế Việt Nam năm 2008 có nhiều khó khăn, trải qua nhiều biến động khó lường dẫn tới những kết quả chưa được như mong muốn, nhưng vẫn có những thành công và ấn tượng: GDP không đạt chỉ tiêu, nhưng “đáng nhớ”; Đầu tư, đối ngoại khả quan; Xuất khẩu vượt bậc, kìm được nhập siêu.

Trong lịch sử của nước Việt Nam mới, chưa có bao giời trong một năm mà nước ta phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng như năm 2008. Đó là: Khủng hoảng giá nhiên liệu, giá lương thực, sắt thép… trên thế giới. Hai vấn đề nóng nhất là lạm phát và nhập siêu vừa được hạ nhiệt, thì cuộc khủng hoảng địa ốc, cho vay dưới chuẩn ở Mỹ được “ủ bệnh” từ hơn một năm trước, bùng phát vào giữa tháng 9, đã lan nhanh sang các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, kinh tế, lao động việc làm và lan nhanh sang các khu vực, các nước.

Từ cuối năm 2007, trong giai đoạn chuẩn bị và thông qua kế hoạch kinh tế xã hội năm 2008, đến tháng 3/2008, chính sách kinh tế được chi phối bởi mục tiêu tăng trưởng GDP 9%, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm năm sớm (chỉ trong ba năm), vượt ngưỡng nước có thu nhập trung bình ngay trong năm 2008… Mặc dù đã có những cảnh báo sớm từ cuối năm 2007 về chất lượng tăng trưởng thấp, chất lượng cuộc sống của người dân bị giảm sút, song quyết tâm của Chính phủ rõ ràng là phải đạt được những thành tựu ấn tượng, vượt lên trên tất cả các thời kỳ trước đây. Để làm được vấn đề này,

Chính phủ đã dồn dập triển khai các biện pháp và các công trình để đạt các mục tiêu đề ra: việc phân cấp (về nguyên tắc là đúng đắn và cần thiết) quá mức cho chính quyền địa phương cấp tỉnh về đầu tư (trong nước và ngoài nước), việc cấp đất, mở khu công nghiệp… đã tạo ra những chồng chéo và dư thừa đáng lo ngại về quá nhiều công trình đầu tư vào sân golf, bất động sản, nhà máy thép, nhà máy lọc dầu lớn nhỏ. Hệ quả là bên cạnh sự năng động và tăng nhanh về số lượng, các quyết định hàng tỉ Đô la Mỹ ở các địa phương, tập đoàn kinh tế, liên quan đến năng lượng, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực ở tầm kinh tế quốc dân, rất hệ trọng cho quốc kế dân sinh đã được quyết định một cách nhanh chóng, thiếu sự thẩm định cần thiết của các chuyên gia, hội đồng thẩm định có chuyên môn ở các bộ, ngành và thiếu sự tham gia của các tổ chức quần chúng.

Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn cả nước có hơn 200 trường đại học và cao đẳng được thành lập. Tình trạng này đã nhanh chóng làm trầm trọng thêm những mất cân đối về điện, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực… Thêm vào đó, việc mở rộng địa giới Hà Nội – đòi hỏi một lượng vốn đầu tư khổng lồ và năng lực quản lý đô thị rất cao, gây nhiều tranh cãi, cuối cùng cũng được thông qua trong bối cảnh lạm phát cao và nền kinh tế đang đối mặt với nhiều mất cân đối. Các tập đoàn kinh tế nhà nước vốn được lập như là một thí điểm (thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh trong một thời gian quá dài) đã tranh thủ sự lỏng lẻo về giám sát và quản lý của các cơ quan nhà nước để đồng loạt đa dạng hóa đầu tư sang các lĩnh vực “thời thượng” như chứng khoán, đầu tư tài chính, bất động sản, thậm chí cả tham gia lập các ngân hàng thương mại. Chưa bao giờ trong một thời gian ngắn các tập đoàn lại thành lập nhiều công ty con, công ty cháu, công ty liên kết như vậy. Tương tự, các công ty đầu tư tài chính, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán cũng xuất hiện một cách ồ ạt. Trong không khí phấn khích chung đó, cung tín dụng tiếp tục tăng trên 50%, lạm phát tăng vọt lên 25%, nhập siêu vượt quá mức an toàn, thị trường chứng khoán sụt giảm kỷ lục, bong bóng thị trường bất động sản bị vỡ: Đầu năm thì nóng, nhưng cuối năm thì lại đóng băng. Bắt đầu từ quí 3/2008, các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đã xuất hiện. Giá hàng loạt nguyên vật liệu trên thế giới giảm mạnh khiến tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm dần và chỉ số giá của hai tháng 10 và 11 lần lượt giảm thấp hơn tháng trước. Trong khi đó, xuất khẩu giảm cả về kim ngạch lẫn khối lượng, đối mặt với những khó khăn dồn dập từ các nước nhập khẩu (về tín dụng, khả năng thanh toán, sức mua, giảm giá). Nhiều doanh nghiệp đã phải giãn thợ, giảm
công suất, thu nhập của người lao động càng khó khăn hơn.

Trong năm 2008, Việt Nam đã phải hai lần chuyển đổi mục tiêu ưu tiên với các nhóm giải pháp phù hợp. Hai cú sốc lớn đưa nước ta đối mặt với nguy cơ lạm phát trì trệ (stagflation). Cuộc khủng hoảng thứ nhất, đó là cuộc khủng hoảng giá nhiên liệu, giá lương thực, sắt thép… trên thế giới. Có người cho rằng, có dầu thô xuất khẩu, có lương thực xuất khẩu, thì Việt Nam sẽ có lợi trong cuộc khủng hoảng trên thế giới này, chứ đâu bị tác động tiêu cực? Mặc dù Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nhưng lại nhập khẩu xăng dầu với kim ngạch lớn; còn giá lương thực thế giới tăng sẽ kéo giá lương thực ở trong nước lên theo. Điều quan trọng là mức lạm phát của Việt Nam cao hơn còn do những yếu tố ở trong nước cộng hưởng với cuộc khủng hoảng trên thế giới. Yếu tố ở trong nước xuất phát từ việc chạy theo mục tiêu tăng trưởng cao (còn gọi là tăng trưởng nóng), kéo theo việc gia tăng tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng dư nợ tín dụng, làm cho các tốc độ này cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP. Thông thường, hệ số giữa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán so với tốc độ tăng GDP của các nước vào khoảng dưới 2,5 lần, nhưng của Việt Nam đã liên tục cao hơn: bình quân 2004 – 2007 tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 30,3%/năm, còn tốc độ tăng GDP là 8,23%/năm, hệ số giữa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng GDP lên đến khoảng 3,7 lần, cao gấp rưỡi các nước; riêng năm 2007 còn cao hơn nhiều. Trong khi đó, lãi suất cho vay thấp, lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cao. Tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn đầu tư đóng góp chiếm tới 57,5%, do yếu tố số lượng lao động tăng đóng góp 20%, do yếu tố tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (gồm hiệu quả đầu tư, năng suất lao động…) chỉ đóng góp 22,5%.

Hiệu quả đầu tư biểu hiện tổng hợp ở hệ số ICOR. ICOR tính theo tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP, so với tốc độ tăng GDP đã giảm trong mấy năm trước kia thì mấy năm nay lại tăng lên và cao hơn nhiều nước (năm 2005 là 4,85 lần, năm 2006 là 5,04 lần, năm 2007 là 5,38 lần, khả năng năm 2008 có thể còn lên tới 5,9 lần). ICOR cao và tăng có nghĩa là hiệu quả đầu tư thấp và giảm. Chính những yếu tố đó ở trong nước, cộng hưởng với lạm phát thế giới đã làm cho lạm phát ở nước ta cao trong năm 2007 (cả năm là 12,63%- tức là bình quân 1 tháng là 1%, riêng 2 tháng cuối năm lên tới 2,07%/tháng), đã bùng phát vào các tháng đầu năm 2008 (6 tháng đầu năm 2008 tăng tới 2,86%/tháng).

Cùng một lúc với lạm phát, Việt Nam còn bị nhập siêu cao. Nhập siêu cao trong năm 2007 (cả năm nhập siêu 14,12 tỷ USD, bình quân 1 tháng là 1 tỷ USD, riêng 2 tháng cuối năm còn lớn hơn nhiều), bùng phát vào 5 tháng đầu năm 2008 (bình quân 2.695 triệu USD/tháng). Đứng trước tình hình trên, có tổ chức và chuyên gia quốc tế đã cảnh báo Việt Nam cả năm lạm phát có thể vượt qua mốc 30% và nhập siêu có thể vượt qua mốc 30 tỷ USD, từ đó khuyến cáo Việt Nam phá giá đồng nội tệ 20- 25% và cầu cứu IMF hỗ trợ. Nhưng thực tế đã không đến mức như vậy mà từ tháng 6, tháng 7, lạm phát và nhập siêu, hai vấn đề nóng nhất đã được hạ nhiệt. Lạm phát từ tháng 7 đến tháng 11 chỉ còn 0,38%/tháng, thấp hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm, thấp hơn cả tốc độ tăng bình quân 1 tháng của cùng kỳ năm trước (0,79%), thấp hơn lãi suất tiết kiệm (tức là lãi suất đã thực dương). Nhập siêu từ tháng 6 đến tháng 11 chỉ còn ở mức dưới 1 tỷ USD (bình quân 1 tháng còn 529 triệu USD).

Cuộc khủng hoảng thứ nhất vừa tạm được khống chế thì cuộc khủng hoảng thứ hai lại ập đến. Hai vấn đề nóng nhất là lạm phát và nhập siêu vừa được hạ nhiệt, thì cuộc khủng hoảng địa ốc, cho vay dưới chuẩn ở Mỹ được “ủ bệnh” từ hơn một năm trước, bùng phát vào giữa tháng 9, đã lan nhanh sang các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, kinh tế, lao động việc làm và lan nhanh sang các khu vực, các nước. Một nền kinh tế mà tăng trưởng dựa tới gần 60% vào vốn đầu tư, có định hướng xuất khẩu (xuất khẩu so với GDP lên tới 70%), vừa mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được 2 năm, lại vừa trải qua lạm phát, nhập siêu cao…, nên cuộc khủng hoảng trên thế giới đã tác động đến Việt Nam, tuy có chậm hơn một số nước (do độ mở cửa về tài chính chưa rộng, đồng tiền chưa chuyển đổi, do có sự chủ động ứng phó…), nhưng cũng rất lớn và khá rộng.

Xuất khẩu có tình trạng tháng sau thấp hơn tháng trước từ tháng 8 đến nay. Tăng trưởng công nghiệp từ tháng 7 đến nay bị sụt giảm. Lượng khách quốc tế từ tháng 9 tới nay cũng tháng sau thấp hơn tháng trước và chi tiêu bình quân một lượt khách cũng có xu hướng ít đi. Vốn đầu tư gián tiếp đang ra nhiều hơn vào, chỉ số chứng khoán xuyên thủng hết đáy này sang đáy khác, trở về điểm xuất phát cách đây 3- 4 năm. Nguy cơ suy giảm kinh tế đã xuất hiện. Tình hình nào thì mục tiêu ấy và giải pháp ấy. Một lần nữa trong năm nay, Chính phủ phải chuyển đổi mục tiêu ưu tiên, từ ưu tiên kiềm chế lạm phát, với giải pháp hàng đầu là thắt chặt tiền tệ, sang ưu tiên ngăn chặn sự s
uy giảm kinh tế, với gói 5 giải pháp cấp bách, trong đó kích cầu ngày càng trở thành giải pháp nổi bật và gói giải pháp tài chính đang được bàn thảo nhiều nhất.

Gói giải pháp tài chính kích cầu không chỉ giới hạn 1 tỷ USD như đã công bố trước đây. Nếu tổng hợp từ các nguồn – được gọi là gói kích cầu tài chính tổng thể – có thể lên đến 6 tỷ USD, tức là lên gần 110 nghìn tỷ đồng (bao gồm 17 nghìn tỷ đồng đã công bố lấy từ dự trữ nhà nước – chứ không phải lấy từ khoảng 22 tỷ USD dự trữ ngoại tệ; 20 nghìn tỷ đồng Chính phủ tạm ứng từ năm trước chưa tiêu hết; 20 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm thuế cho doanh nghiệp mà Chính phủ chưa thu về; 30 nghìn tỷ đồng từ việc bảo lãnh vay quốc tế); 20 nghìn tỷ đồng từ phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ.

Về mức tuyệt đối, tuy còn thấp xa so với các nền kinh tế lớn, nhưng lại thuộc loại cao nếu so với nguồn lực của đất nước. Nếu so với GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân năm nay của Việt Nam (khoảng 88,5 tỷ USD), thì gói tài chính trên đã chiếm khoảng 6,8%; nếu so với mức dự trữ ngoại hối (khoảng trên 22 tỷ USD), thì đã chiếm khoảng 26%. Đây là một cố gắng lớn của Chính phủ trong điều kiện ngân sách còn bội chi lớn, mức dự trữ ngoại hối của quốc gia còn mỏng. Đây không chỉ là sự nhạy bén trong việc dự đoán tình hình, chuyển hướng mục tiêu ưu tiên với giải pháp và có liều lượng cao chưa từng có, thể hiện quyết tâm cao trong việc ngăn chặn nguy cơ suy giảm kinh tế của nước ta.

Theo Thu Hương (VITINFO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *