Bên bờ hạnh phúc

Từ 1/5/2010, mức lương tối thiểu chung áp dụng cho người hưởng lương từ ngân sách sẽ được điều chỉnh từ 650.000 lên 800.000 đồng một tháng. Lương tối thiểu cho lao động làm việc tại doanh nghiệp được tăng sớm hơn, bắt đầu từ 1/1/2010.

Ngày 1/9, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp Ban chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Phó thủ tướng đã yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương và trợ cấp năm 2010 theo lộ trình và phù hợp với khả năng ngân sách, trình Thủ tướng.

Theo đó, Bộ Lao động cần sớm ban hành chính sách để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước từ ngày 1/1/2010, với mức tăng ở vùng thấp nhất là 12,3%. Hiện lương tối thiểu của lao động làm việc tại vùng thấp nhất (địa bàn xa xôi, kinh tế kém phát triển) là 650.000 đồng một tháng. Nếu tăng thêm 12,3% thì mỗi lao động sẽ có thêm 150.000 đồng, tổng cộng 730.000 đồng.

Người lao động sẽ được tăng lương. Ảnh: Hoàng Hà.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), mức lương tối thiểu vùng cũng được điều chỉnh từ ngày 1/1/2010. Mức tăng cụ thể chưa được đề cập, song nhiều khả năng sẽ thấp hơn khối doanh nghiệp trong nước. Theo lộ trình cải cách tiền lương, năm 2012 sẽ thống nhất mức lương tối thiểu giữa hai loại hình doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện lương tối thiểu của lao động làm việc tại doanh nghiệp FDI ở vùng thấp nhất đã là 920.000 đồng một tháng.

Đối với mức lương tối thiểu chung áp dụng cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu hai bộ Lao động và Tài chính thực hiện phương án điều chỉnh từ ngày 1/5/2010 với mức 12,3%. Hiện mức lương tối thiểu chung là 650.000 đồng một tháng, nếu tăng thì lao động sẽ có thêm 80.000 đồng.

Người nghỉ hưu, người có công với cách mạng, cũng được điều chỉnh lương từ 1/5/2010, với mức 12,5%. Năm 2010, Chính phủ sẽ chưa triển khai chế độ phụ cấp công vụ.

Việc tăng lương tối thiểu vùng và lương tối thiểu chung là thực hiện theo đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2008-2012. Theo đúng lộ trình, cả người hưởng lương từ ngân sách và lao động làm việc tại doanh nghiệp đều được điều chỉnh lương từ ngày 1/1 hằng năm.

Tuy nhiên, cuối năm 2008 và nửa đầu năm 2009, do khủng hoảng kinh tế với sự sụt giảm của giá dầu thô và nguồn thu từ xuất nhập khẩu, nguồn thu ngân sách giảm nên Quốc hội đã ra nghị quyết lùi thời điểm tăng lương tối thiểu chung áp dụng đối với người hưởng lương từ ngân sách đến tháng 5/2009, thay vì tháng 1/2009 như lộ trình.

Hiện cả nước có khoảng 10 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó khoảng 1,5 triệu người làm việc tại doanh nghiệp FDI; có khoảng 1,8 triệu người về hưu và hưởng trợ cấp thường xuyên; 1,5 triệu người có công.

Mức lương tối thiểu dùng để trả công cho lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Hiện nay, lương tối thiểu của doanh nghiệp trong nước chia làm 4 mức, tương đương với 4 vùng. Các mức lần lượt là: 800.000; 740.000; 690.000 và 650.000 đồng một tháng. Đối với lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI, mức lương tương ứng với 4 vùng lần lượt là: 1.200.000; 1.080.000; 950.000 và 920.000 đồng một tháng.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *