Bên bờ hạnh phúc

 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ ngành liên quan trong thời gian tới phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Trong 5 năm qua, cả nước xảy ra gần 12.000 vụ cháy, nổ, làm chết hơn 300 người, bị thương hơn 900 người, thiệt hại về tài sản 6.900 tỷ đồng và gần 8.500 ha rừng. Đặc biệt, đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình và người dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong phòng cháy và chữa cháy…

Xử lý dứt điểm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể phải coi công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình.

Các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của Bộ luật hình sự.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khẩn trương ban hành quy định để xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp tổ chức thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo sớm xử lý dứt điểm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông người, cơ sở sản xuất, kho hàng hóa lớn có nguy hiểm về cháy, nổ. Hàng năm, Bộ Công an chủ trì thành lập các đoàn công tác liên ngành của Trung ương tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại một số Bộ, ngành, địa phương trọng điểm.

Thường xuyên diễn tập các phương án xử lý sự cố cháy, nổ

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia; tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; phát động toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, nhân rộng các mô hình tiên tiến; quan tâm đầu tư trang bị phương tiện và thực hiện chế độ, chính sách nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; công khai phê phán các hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, trang thiết bị phát hiện cảnh báo sớm, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

Nguồn: Phương Nhi ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *