Bên bờ hạnh phúc

Nhằm tập hợp các sáng kiến liên quan đến chiến lược lồng ghép vì sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long trước những thách thức liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, trong hai ngày 2-3/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015.

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

 

Diễn đàn do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng một số đối tác phát triển phối hợp tổ chức.

Dự diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đại diện các cơ quan ngoại giao đoàn tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa chiến lược của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và sự phát triển bền vững của các cộng đồng dân cư khu vực phía Nam và cả nước.

Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với các thách thức rất lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đây cũng là các thách thức to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, một quốc gia có đường bờ biển dài.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong thời gian qua, cùng với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết liệt chỉ đạo và triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam, với quyết tâm chính trị và các ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam cho khu vực này theo định hướng tổng hợp và bền vững, hướng đến một tương lai tươi sáng cho vùng đất trù phú nhưng cũng rất dễ bị tổn thương này.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Đối với các các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị đơn vị liên quan, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và nước tập trung thảo luận về một số hoạt động trọng tâm mang tính đồng bộ, liên vùng, dài hạn và bền vững nhằm ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu, bảo đảm sự phát triển thịnh vượng của vùng.

Đề cập đến các vấn đề cần tập trung thực hiện trước những thách thức của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần có các giải pháp hành động ngay bây giờ, bởi càng chờ đợi lâu thì chi phí phải trả để thực hiện các giải pháp khắc phục càng lớn.

Diễn đàn này được xây dựng trên cơ sở những thảo luận về những sáng kiến, đầu tư lâu dài cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai. Về phía Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển có thể hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với kiến thức chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để thực hiện các biện pháp giảm sự tác động của biến đổi khí hậu ở khu vực này.

Theo Ban tổ chức, Diễn đàn lần này sẽ tập trung thảo luận về tầm nhìn tổng hợp dài hạn như tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng nước mặt, nước ngầm và khả năng sụt lún, xói lở, sạt lở ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội; rà soát, đánh giá, bổ sung các quy hoạch phát triển, đặc biệt là quy hoạch đê sông, đê biển, hồ chứa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, xác định các kịch bản phát triển cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trên cơ sở cập nhật chi tiết các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cùng các tác động do phát triển trên dòng chính sông Mekong; trồng, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển nhằm từng bước tạo đai rừng chắn sóng, chống sạt lở bờ biển, tăng cường khả năng hấp thụ khí CO2, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái ven biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân bản địa; nâng cấp, gia cố, xây mới các hồ nước ngọt, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân trong bối cảnh hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng; nâng cấp, gia cố, xây mới các đoạn đê sông, đê biển xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân trong vùng.

Mặt khác, Diễn dàn cũng xem xét, tìm hiểu những bài học kinh nghiệm từ các đồng bằng trên thế giới và phát triển sinh kế bền vững thông qua quản lý thích ứng vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở các khuyến nghị của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, trong giai đoạn 2016-2020 và các giai đoạn tiếp theo./.

Nguồn: Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *