Bên bờ hạnh phúc
Mới đây, Tổng cục Thủy sản đã có đề nghị Công ty Caseamex phải tái xuất, hoặc tiêu hủy rùa tai đỏ trước ngày 31/8. Caseamex là đơn vị đã nhập về 40 tấn rùa tai đỏ…
Đầu tháng 4/2010, Công ty Caseamex đã nhập về 2 đợt rùa tai đỏ (RTĐ) từ Mỹ với số lượng 40 tấn, tương đương 26.300 con để làm thực phẩm tươi sống.
Nhập rùa tai đỏ làm thực phẩm?

Việc nhập khẩu này được thực hiện theo Giấy phép số 184/NTTS-GP ngày 5/3/2010 của Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT).

Trong thời gian chờ tìm nguồn tiêu thụ (chủ yếu là các nhà hàng), số rùa này được đưa về tạm nuôi tại Trung tâm Giống – Kỹ thuật thủy sản trực thuộc Công ty Caseamex ở ấp Mái Dầm, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. 

Công ty Caseamex cho biết là do “không rõ” tác hại của nó nên đã nhập vào Việt Nam để làm thực phẩm và dự định xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nước này cũng đã cảnh giác, không cho phép mua RTĐ nên Công ty Caseamex phải nuôi nhốt.

Theo quy định thì thời gian nuôi cách ly để giết thịt đã hết, nhưng đến nay, đã qua hơn 4 tháng mà doanh nghiệp (DN) này vẫn chưa “xả” hết hàng. Số RTĐ trên vẫn chưa thể tiêu thụ đúng mục đích là làm thực phẩm. Số rùa đang nuôi giữ đã chết với số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường.

Qua kiểm tra, RTĐ được Công ty Caseamex nuôi giữ tại 3 ao, với diện tích hơn 5.000m2, số lượng rùa đã bị hao hụt khá nhiều so với những tháng trước đây. DN cũng cho biết, đến thời điểm này, đàn rùa đã chết gần 8.000 con, tương đương với khối lượng khoảng 10 tấn và số còn lại vẫn tiếp tục chết bình quân trên 10 con/ngày.

Theo cán bộ phụ trách Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản, đàn RTĐ đang nuôi giữ được quản lý nghiêm ngặt nên “khó thoát” ra bên ngoài. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với người dân địa phương thì chuyện RTĐ đã vượt qua sự kiểm soát của Trung tâm này, thoát ra sông rạch, ruộng vườn ở xã Phú Thành là thật.

Bằng chứng là một số người dân trong vùng bắt được loại RTĐ này về làm thịt ăn. Tuy số lượng rùa mà người dân thông báo bắt được chỉ gần chục con, nhưng số khác thoát ra sông chưa thu giữ lại được cụ thể là bao nhiêu thì không ai dám khẳng định.

Cuối tháng 8, họp rút kinh nghiệm nuôi rùa tai đỏ, tôm hùm 

Trước áp lực lo lắng của dư luận, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Công ty Caseamex khẩn trương xử lý, chậm nhất là trong quý 3/2010 phải đưa hết đàn rùa tai đỏ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 11/8, ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN – PTNT) đã làm việc với tỉnh Vĩnh Long để thống nhất các giải pháp xử lý đàn rùa tai đỏ đang được nuôi tại Vĩnh Long.

Qua kiểm tra thực tế nuôi, cách ly đàn rùa tại Trung tâm Giống và Kỹ thuật Caseamex (tại xã Phú Thành, huyện Trà Ôn), ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, hoạt động nuôi nhốt đàn rùa tai đỏ tại đây không an toàn và rùa có khả năng thoát ra môi trường tự nhiên.

Ông Vĩnh đề nghị doanh nghiệp phải tái xuất hoặc tiêu hủy đàn rùa chậm nhất là ngày 31/8/2010.

Cũng theo ông Vĩnh, cuối tháng 8/2010 sẽ có hội nghị rút kinh nghiệm về rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ… Các nhà khoa học tới từ các viện nghiên cứu sẽ báo cáo chính thức kết quả nghiên cứu về rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ.


Các nhà khoa học thế giới đã xếp RTĐ vào danh sách 100 động vật xâm hại môi trường nguy hiểm nhất thế giới. Giống rùa này có tên khoa học là Trachemys scripta elegans, nguồn gốc từ Bắc Mỹ, là loại động vật ăn tạp và hung dữ. Chúng ăn tất cả các loài cá bé hơn nó và các động vật thủy sinh khác. Khi thoát ra ngoài tự nhiên, RTĐ là đối tượng rất nguy hiểm, có khả năng phá vỡ môi trường sinh học ở khu vực.

Giới chuyên môn cho rằng, RTĐ có khả năng sống rất dai. Khi sống ngoài tự nhiên, chúng sẽ cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn át, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái.

Theo quy định tại thông tư số 60/2009/TT-BNNPTNT, khi nhập khẩu các loài sinh vật ngoại lai từ nước ngoài vào Việt Nam, các cá nhân, tổ chức, DN phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ tính chất, đặc điểm đối tượng và có quá trình khảo nghiệm. RTĐ được thế giới cảnh báo và một số nước cấm nhập khẩu do giống rùa này không chỉ là loài xâm hại nguy hiểm, mà còn mang vi khuẩn Salmonella có thể truyền bệnh cho người. Còn theo Thông tư 53/2009 của Bộ NN – PTNT về quy định quản lý các loài thủy sinh vật ngoại lai tại Việt Nam, RTĐ thuộc loài không được nhập khẩu thông thường vào Việt Nam.

Theo Đất Việt Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *