Bên bờ hạnh phúc

Thực hiện chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội dành 2 ngày 2 và 3/11 để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Phiên làm việc quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước theo dõi.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

 

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết sẽ mời các bộ trưởng và thành viên Chính phủ làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Đồng thời đổi mới cách thức làm việc, các đại biểu Quốc hội có thể tranh luận với thành viên Chính phủ hoặc các đại biểu khác để làm sáng tỏ vấn đề.

Tán thành với Báo cáo của Chính phủ

Tại phiên thảo luận sáng nay ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với những nhận định của Chính phủ được đề cập trong Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. 

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên. Các trung tâm kinh tế lớn tiếp tục phát huy vai trò đầu tầu tăng trưởng, làm động lực phát triển của các vùng và cả nước; nhiều địa phương khó khăn đã nỗ lực vươn lên. 

Văn hóa, xã hội có tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh có tiến bộ…

Nhìn nhận Báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn đánh giá những mục tiêu đạt được và chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại, yếu kém, đại biểu Hoàng Duy Chinh (Bắc Kạn) nêu năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, cùng với những thuận lợi và khó khăn đan xen nhưng với sự nỗ lực cao, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ các bộ, ngành đất nước đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, quốc phòng an ninh ninh được đảm bảo, an ninh được giữ vững.

Dự báo năm 2016, có 11/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu về tăng trưởng GDP và xuất khẩu xấp xỉ đạt. 

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, tình hình nợ công, nợ xấu tăng nhanh và chiếm tỷ lệ cao, việc đầu tư sản xuất của doanh nghiệp nhà nước ở một số dự án chưa hiệu quả… Đây là những vấn đề đại biểu Hoàng Duy Chinh đề nghị Chính phủ quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để không xảy ra hiện tượng này trong thời gian tới.

Thống nhất với những khó khăn, thách thức, những nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng cần suy kỹ để tính toán bước đi thích hợp trong năm 2017. 

Đại biểu thể hiện niềm tin tưởng, đánh giá cao vào Chính phủ mới bởi những dấu hiệu rất mới, rất mừng trong định hướng và phương châm hoạt động của Chính phủ.

"Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, Chính phủ định hướng hoạt động trong 16 chữ là "liêm chính, trong sạch, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân." Tại kỳ này, Chính phủ chuyển thông điệp đề cao phương châm nói đi đôi với hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm. 

"Tôi kỳ vọng và mong muốn những ấn tượng tốt đẹp ấy sẽ lan tỏa, nhân lên trong nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước khi Chính phủ điều hành kinh tế-xã hội năm 2017 và những năm tiếp theo vượt qua khó khăn thách thức đưa nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững," đại biểu bày tỏ.

Thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách

Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả… là vấn đề được nhiều đại biểu nêu trong phiên thảo luận sáng nay.

Phân tích thực trạng được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị năm 2017 phải siết chặt hơn nữa kỷ luật ngân sách, quản lý chặt chẽ hơn nữa nợ công. Theo báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, dự báo năm 2017 phấn đấu tăng trưởng GDP là 6,7%, theo đó nợ công dự báo là 64,8%, nợ Chính phủ dự báo là 53,3% GDP và nợ nước ngoài quốc gia là 47,4%.

Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt năm 2017 và giai đoạn 2016-2020 nợ công tương ứng là 65, 55 và 50% theo đại biểu là không đúng với quan điểm siết chặt nợ công, thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị Quốc hội không chỉ siết chặt trần nợ công mà còn giao cho Chính phủ phấn đấu làm giảm nợ công. Đại biểu đề xuất nợ công không quá 65% GDP, đến năm 2020 không quá 63%; nợ Chính phủ không quá 53% GDP, đến năm 2020 không quá 50% GDP; nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP, đến năm 2020 không quá 47% GDP.

Nêu ra 5 dự án đội vốn gồm gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học của Dung Quất, xơ sợi Đình Vũ; trong đó gang thép Thái Nguyên dự kiến đầu tư 3.800 tỷ đồng tăng lên 8.100 tỷ đồng, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo sớm nếu không nợ chồng lên nợ, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng này, báo cáo Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu rõ.

Theo quan điểm của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2017 là tương đối cao. 

Đại biểu phân tích đầu năm 2016 nền kinh tế mới chỉ tăng trưởng chưa đến 6%. Các động lực chính của tăng trưởng là đầu tư công và xuất khẩu đều không đạt kế hoạch, trong khi nền kinh tế thế giới vẫn chưa khởi sắc, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, gần 60% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, dịch bệnh thiên tai trước tác động của biến đổi khí hậu…

Đại biểu lo ngại bởi có rất nhiều thứ như kế hoạch thu/chi ngân sách, nợ công… sẽ được lập trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng GDP và nếu tăng trưởng không đạt mục tiêu sẽ có hiệu ứng đominô đến những chỉ tiêu khác.

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh

Về cải thiện môi trường kinh doanh, các ý kiến cho rằng thời gian qua, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, phát đi những thông điệp rõ ràng, khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp nỗ lực tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. 

Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19 (những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020) và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Qua đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam có những bước cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên, các tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tạo cho doanh nghiệp nhiều kỳ vọng đến một bước ngoặt thực sự cải thiện môi trường kinh doanh, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Việc thực hiện Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi phối hợp triển khai, việc xây dựng chương trình hành động còn mang tính "đối phó," "qua loa" tập trung ở một số tỉnh, thành, cơ quan đơn vị…

Từ những lo lắng này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cải cách điều kiện kinh doanh và rà soát các quy định không còn phù hợp, cản trở đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi, đáp ứng tình hình hội nhập và tạo điều kiện thuận lợi và sự phát triển của doanh nghiệp.

Đồng thời, theo đại biểu cần tăng cường tiếng nói và mức độ tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách có liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp; có cơ chế đối thoại thường xuyên hơn, lắng nghe, thu thập thông tin phản hồi đồng hành cùng doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kịp thời tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những khuyến nghị của doanh nghiệp…

Chú trọng phát triển kinh tế vùng

Phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng được nhiều đại biểu đánh giá là một phương thức quan trọng trong việc thúc đầy nền kinh tế phát triển. Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước nhận thức rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VIII và qua các kỳ Đại hội lần thứ IX, X,XI, XII đều được tiếp tục làm rõ và định hướng chiến lược phát triển vùng. 

Trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế vùng, đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều hạn chế, cần được nhìn nhận thẳng thắn. 

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng và quy hoạch ngành theo từng vùng như hiện nay chưa phát huy hết tính hiệu quả trong định hướng điều phối phân bổ ngân sách, vai trò ràng buộc liên kết vùng và nội vùng vẫn còn nhiều hạn chế. 

Đại biểu Sơn nhìn nhận việc liên kết vùng hiện nay còn là sự ghép nối giữa các tỉnh, thành với nhau. Một số nơi là sự ghép nối cơ học, chưa có sự liên kết thực sự, cơ bản mà chỉ trên tinh thần tự nguyện, các cam kết giữa các địa phương trong vùng, chưa có tính pháp lý, không có chế tài đảm bảo sự thực hiện lâu dài. 

Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy được vai trò đầu tầu, tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thật sự vượt trội, thiếu cơ chế chính sách đặc thù để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng và vùng có lợi thế làm đầu tầu kéo nền kinh tế phát triển.

Để thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, trong thời gian tới, theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của vùng gắn chặt với bảo về môi trường, biến đổi khí hậu; phân tích thế mạnh của từng vùng tạo nên nhiều chuỗi giá trị hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tập trung phát triển nhanh hơn các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa vùng biên giới hải đảo.

Cùng với đó cần hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương đảm bảo tính thống nhất; tập trung quản lý nhà nước về kinh tế, đảm bảo giám sát tốt việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong vùng và của vùng, tránh tình trạng trùng lắp lợi ích, cạnh tranh lẫn nhau. 

Trong thực hiện, đại biểu đề nghị các tỉnh, thành phố đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc nâng cao khả năng tổ chức hoạt động phối hợp liên tỉnh; tăng cường công tác phối hợp giữa lãnh đạo các tỉnh, thành trong việc thực thi chính sách chung của Chính phủ đề ra, khắc phục tính cục bộ trong hoạt động xây dựng địa phương, xóa bỏ tư duy khép kín…./.

Nguồn: QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *