Bên bờ hạnh phúc

Việt Nam hiện đại hóa quân đội theo khả năng phát triển kinh tế

Chiều 7/1, trong buổi gặp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành gần một giờ trả lời báo chí về vụ án PCI, lương lãnh đạo SCIC, ùn tắc giao thông và việc Việt Nam mua tàu ngầm hiện đại hóa quân đội.

– Sau chuyến thăm Nga và ký hợp đồng mua tàu ngầm của Thủ tướng vừa qua, có tờ báo trong khu vực nói về việc Việt Nam chạy đua vũ trang. Thủ tướng nói gì về vấn đề này?

– Từ xưa đến nay, đất nước ta luôn có 2 nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chúng ta thực thi đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị, nhưng cũng cần có đủ sức mạnh để tự bảo vệ. Nhân tố con người là quyết định nhưng vũ khí rất quan trọng. Khi có điều kiện kinh tế thì chúng ta hiện đại hóa quân đội, đây là việc làm bình thường, tất cả quốc gia cũng làm như vậy.

Trong chuyến thăm Nga vừa qua, tôi đã đàm phán với Thủ tướng Putin mua 6 tàu ngầm thế hệ hiện đại nhất và một số máy bay loại Su-30. Việt Nam có vùng biển rộng thì phải bảo vệ chủ quyền. Tôi khẳng định lại, Việt Nam hiện đại hóa quân đội theo khả năng phát triển kinh tế chứ không phải do tình hình đột xuất hay chạy đua vũ trang.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã chất vấn Thủ tướng về tiến độ điều tra vụ PCI. Hiện, Bộ Công an đã báo cáo gì với Thủ tướng về vụ án này?

– Sau khi báo chí Nhật đưa tin về vụ PCI, cơ quan chức năng Việt Nam đã chủ động điều tra và với chứng cứ có được, đã khởi tố, bắt giam ông Huỳnh Ngọc Sĩ về tội cố ý làm trái.

Chúng ta cũng đã hoàn tất việc dịch 3.000 trang tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp. Tuần qua, Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh có báo cáo tôi là có cơ sở, chứng cứ để khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ về tội nhận hối lộ. Tôi đã chỉ đạo là xử lý theo đúng pháp luật Việt Nam, nếu đã đủ chứng cứ thì khởi tố, xử lý nghiêm.

– Nhiều ý kiến còn băn khoăn với công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, trong năm 2010 Chính phủ có những giải pháp quyết liệt nào để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng?

– Phòng chống tham nhũng là một quá trình kiên trì với những giải pháp đồng bộ. Có thể hôm nay anh giữ gìn được nhưng ngày mai anh tham nhũng. Theo tôi, trước hết, phải hoàn thiện cơ chế vận hành, bớt những thủ tục gây phiền hà, tạo cơ hội cho một bộ phận công chức nhũng nhiễu. Thứ hai là phải công khai minh bạch thủ tục để người dân có thể giám sát. Thứ ba là phải xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng để răn đe.

Ngoài ra chúng ta cũng phải tạo điều kiện, đáp ứng thu nhập ở mức nào đó để cán bộ, công chức vượt qua cám dỗ. Tôi lấy ví dụ cảnh sát giao thông, tiền lương hiện nay quá thấp, vậy họ sống bằng cách nào?

– Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước công bố lương của lãnh đạo Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lên tới 78 triệu đồng/tháng. Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra vấn đề này thế nào?

– SCIC được lập ra nhằm tách chức năng quản lý nhà nước của bộ và chức năng chủ sở hữu. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một Nghị định để quản lý cơ quan đặc thù này nên SCIC vẫn hoạt động theo chính sách hiện hành.

Bộ Lao động Thương binh Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt đơn giá lương. Theo quy định hiện hành, lương lãnh đạo là 40 triệu đồng. Do đó, tôi yêu cầu phải kiểm tra trong khoản vượt lên thì khoản nào sai so với quy định hiện hành và nếu sai phải kịp thời xử lý.

– Giải quyết những bức xúc của người dân là nhiệm vụ Thủ tướng đặt ra trong thông điệp đầu năm 2010. Với vấn nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM, Chính phủ có giải pháp cấp bách gì?

– Ùn tắc giao thông đang là vấn nạn toàn cầu. Các chuyên gia thế giới tổng kết là khi thu nhập bình quân đầu người vượt mức 1.000 USD thì sẽ bùng nổ về thị trường ôtô, du lịch nội địa.

Vừa qua, chúng ta mở rộng Hà Nội để có điều kiện quy hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông như mở rộng đường, xây cầu vượt, đường sắt trên cao, tàu điện ngầm. Giải pháp hạn chế ôtô cũng có những ý kiến nêu ra nhưng tôi yêu cầu phải tham khảo thế giới xem có phải họ giải quyết ùn tắc bằng cách hạn chế ôtô.

Theo tôi, ùn tắc giao thông không chỉ do hạ tầng mà còn do ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa giao thông của người dân. Do đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh tuyên truyền.

Vấn đề thứ ba là công tác điều hành giao thông phải khoa học. Gần đây, Đài tiếng nói Việt Nam có thêm kênh về giao thông, nghe đài người dân biết chỗ nào đang ùn tắc để tránh. Ngoài ra, còn rất nhiều giải pháp khác mà Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông phối hợp cùng Hà Nội, TP HCM khẩn trương triển khai, thực hiện.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *