Bên bờ hạnh phúc

Chính sách tiền tệ mềm dẻo, giảm thuế để kích cầu và tăng "xuất khẩu" vào thị trường nội địa… là những giải pháp chính để ổn định nền kinh tế vĩ mô đất nước năm 2009, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả đã trao đổi với báo chí nhân dịp đầu xuân Kỷ Sửu.

CôngThương – Năm 2009 là một năm đầy thử thách đối với kinh tế – xã hội nước ta. Suy thoái kinh tế toàn cầu tác động trực tiếp tới triển vọng xuất khẩu. Khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài sẽ gặp không ít khó khăn. Thị trường trong nước được dự báo sẽ phát triển chậm do sức mua của người tiêu dùng khó có thể cải thiện so với năm 2008. Hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với nhiều thách thức…

Chính sách tiền tệ mềm dẻo

Theo Tiến sĩ Ánh, trong nhóm giải pháp chính sách tiền tệ, tín dụng, hiện nay Việt Nam cần tiếp tục duy trì giải pháp tiền tệ linh hoạt thông qua giảm lãi suất cơ bản phù hợp với diễn biến của giá cả và lạm phát, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong bối cảnh giá cả có xu hướng giảm. Trong khi các ngân hàng thương mại cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm mức độ thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng, đưa dần tỷ lệ nợ quá hạn về ngưỡng an toàn, thì vẫn phải duy trì cung cấp tín dụng cho các dự án tốt, có hiệu quả.

Mặt khác, ông Ánh cũng cho rằng, trong điều kiện chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ do nguy cơ lạm phát chưa hoàn toàn triệt tiêu, thì để đối phó với nguy cơ suy giảm kinh tế cần thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng. Trong hoàn cảnh nước ta không thể và không nên tăng chi ngân sách nhà nước, cả chi đầu tư cũng như chi thường xuyên, nên nới lỏng tài khóa theo hướng giảm mức độ động viên vào ngân sách nhà nước thông qua các biện pháp giảm thuế.

Thống kê cho thất, tổng mức động viên vào ngân sách nhà nước năm 2009 – 2010 không quá 22% GDP, đồng thời giảm mức bội chi ngân sách nhà nước xuống 4% GDP. Theo đó, quy mô chi ngân sách nhà nước năm 2009 – 2010 khoảng 25 – 26% GDP. Vì vậy, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cần cơ cấu lại theo hướng tăng chi tiền lương đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức gắn liền với cải cách bộ máy hành chính, tăng hiệu quả và hiệu suất hoạt động của bộ máy hành chính. Chi ngân sách nhà nước năm 2009 – 2010 còn phải tập trung tạo dựng nền tảng cho thực hiện mục tiêu an sinh xã hội.

Tiến sĩ Ánh cũng cho rằng, chính sách tỷ giá cũng cần có những điều chỉnh thích hợp trong năm 2009-2010. Dường như chính sách cơ bản giữ ổn định tỷ giá hối đoái dựa trên "neo" vào USD đã không còn phù hợp. "Chúng ta cần xác định tỷ giá hối đoái dựa trên một rổ tiền tệ với đại diện là những đồng tiền của các thị trường xuất nhập khẩu và của các nhà đầu tư quan trọng nhất. Mặt khác, kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước chỉ có hiệu quả thật sự khi giá trị của VND được nâng cao".

Nói cách khác, theo ông Ánh, tỷ giá hối đoái cần được nghiên cứu điều chỉnh theo hướng có tăng, có giảm phù hợp với trạng thái nền kinh tế và mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của nước ta. Tuy nhiên, chính sách tỷ giá hối đoái cần kết hợp với biện pháp phân phối lại thu nhập, nhằm giảm dần mức độ chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Nếu không khi VND lên giá, thì khoảng cách giàu nghèo có thể còn giãn rộng hơn và nảy sinh những mâu thuẫn xã hội khó giải quyết.

Giảm thuế để kích cầu

Để chặn đà suy giảm của nền kinh tế cần sử dụng biện pháp kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng. Trong đó, hướng thúc đẩy đầu tư trong nước là chú trọng nới lỏng gánh nặng cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế. Giảm thuế là biện pháp trọng tâm để kích cầu đầu tư, cũng như kích cầu tiêu dùng thông qua giảm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm giá tương xứng đảm bảo tăng tiêu dùng thực tế của người dân. Nội hàm chủ yếu của gói giải pháp kích cầu của Chính phủ nên là giá trị của các biện pháp giảm thuế. Giảm giá các hàng hóa dịch vụ, đưa chúng về giá trị thật, phù hợp với thu nhập và sức mua của đại bộ phận người dân. Đây chính là biện pháp kích cầu hiệu quả và vững chắc.

Đối với chi đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước và chi tín dụng ưu đãi của Nhà nước, cần lựa chọn các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, có hiệu quả kinh tế – xã hội cao, tạo ra nhiều việc làm. Đầu tư nhà nước cần hướng vào phát triển con người, đầu tư mạnh vào giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thông qua đó người lao động có việc làm, có thu nhập thì mới phát triển được thị trường trong nước bền vững.

"Cần tôn trọng nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà khu vực kinh tế ngoài nhà nước không muốn đầu tư, không được phép đầu tư hay không thể đầu tư do tiềm lực chưa đủ. Đầu tư nhà nước dành cho các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế nhà nước cần được kiểm soát và giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu hiệu quả, rủi ro cao, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, thiếu bình đẳng…", Tiến sĩ Ánh nhấn mạnh.

Tăng "xuất khẩu" vào thị trường nội địa

Năm 2009 cần có biện pháp cơ cấu lại xuất nhập khẩu, cao hơn là điều chỉnh mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu. Theo đó, chúng ta không nên tiếp tục xuất khẩu bằng mọi giá, xuất khẩu chủ yếu là nguyên nhiên liệu thô, nông thủy sản sơ chế có giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường quốc tế. Nên kiên quyết khước từ hoạt động xuất khẩu chạy theo tăng kim ngạch, trong khi không chú ý đúng mức tới chất lượng và giá trị gia tăng của các mặt hàng xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Trước mắt kim ngạch xuất khẩu có thể giảm, hay ít nhất không thể tăng cao tới 20-30%/năm như những năm gần đây, song chúng ta cần mạnh dạn cơ cấu lại xuất khẩu, cả cơ cấu mặt hàng và cơ cấu thị trường vì những mục tiêu lớn và dài hạn hơn.

Để tránh thâm hụt cán cân thương mại và cán cân vãng lai, trong chừng mực nhất định có thể cả tăng thâm hụt cán cân thanh toán do thặng dư tài khoản vốn có thể không còn cao như hiện nay, chúng ta nhất thiết phải kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu. Giảm nhập khẩu những nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất, đặc biệt là cho sản xuất hàng xuất khẩu thông qua định hướng xuất khẩu những hàng hóa, dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước cao nhất, thay thế những hàng hóa, dịch vụ trong nước có thể cung cấp được…

Cần linh hoạt vận dụng chính sách thuế quan và thuế tiêu thụ đặc biệt để thúc ép các doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh. Điều tiết thu nhập của nhóm người có thu nhập cao, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cao cấp, đắt tiền và phần lớn là nhập khẩu. Không nên quá cứng nhắc trong áp dụng các biện pháp cấm đoán đối với nhập khẩu hay tiêu dùng các hàng hóa đắt tiền cao cấp, mà nên tăng cường thu từ nhập khẩu các mặt hàng này vào ngân sách nhà nước, để phục vụ cho các mục tiêu an sinh xã hội.

Theo Hữu Hòe (Công Thương)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *