Bên bờ hạnh phúc

Ở xã vùng sâu Đào Hữu Cảnh (An Giang) có người cha cam cảnh mù lòa làm ruộng vất vả để nuôi hai đứa con thơ thiếu vắng mẹ. Tên của ba cha con ráp thành câu “Hai Lúa Bạc”, gợi vẻ buồn thương cho thân phận nghèo khó.

Trên cánh đồng rộng mênh mông, người đàn ông lần mò đôi tay tìm kiếm rồi nhổ những cây lúa bị bệnh, xong lại tất tả quay sang be bờ, nhổ cỏ, rồi mò tôm bắt cá về nấu cơm cho con đi học về ăn. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, tràn qua đôi mắt mờ đục. Đó là anh Nguyễn Văn Hai (37 tuổi), cha của hai cậu con trai Lúa và Bạc. Hè xong, Lúa sẽ lên lớp 8 còn Bạc học lớp 6.

Nhiều năm nay, mẹ bỏ đi, người cha mù lòa này một mình bươn chải ruộng nương, chăm sóc hai con ăn học, "quyết không cho cháu nghỉ học tùy tiện một ngày nào", như anh Hai nói.

Anh Hai sửa lại cái rọng và nơm, chuẩn bị đi bắt cua, cá… ở ngoài đồng. Ảnh: Gia Bảo

Cảnh mù lòa của người đàn ông này bắt đầu từ khi lên hai, đôi mắt bị bệnh rồi ngày càng mờ dần đến khi không nhìn thấy gì. Sống cảnh tối tăm, anh cố chống chọi với đời bằng việc siêng năng học hỏi, luyện kỹ năng “thám thính” cảnh vật chung quanh để tồn tại.

"Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã ý niệm trong đầu những con đường ra vào nhà mình, cố nhớ vào đầu", người đàn ông nói. Dần dà anh càng thông thạo đường đi nước bước, sinh hoạt, làm việc như người sáng mắt.

Anh Hai tâm sự: Khoảng năm 1995, thương thân phận mù lòa và cảm kích tính tình chân chất, siêng năng của anh, một cô gái xứ cù lao Phú Tân đem lòng thương mến. Vì gia đình nghèo, cô gái này hễ tới mùa thu hoạch lúa là cùng gia đình vào xứ Đào Hữu Cảnh cắt lúa mướn. Gia đình anh Hai cho cô ở nhờ, làm thuê hết vụ mới về. Cuộc tình cô gái nghèo và chàng trai mù lòa nảy sinh từ đó. Họ lấy nhau, dắt díu rau cháo sớm hôm qua ngày.

Lúa và Bạc lần lượt chào đời. Một ngày nọ, vợ của anh Hai trong một dịp đi ăn giỗ ở nhà hàng xóm chẳng thấy quay về. Nhiều ngày trôi qua, tin tức về người vợ vẫn bặt tăm. “Tôi cứ tưởng vợ về nhà cha mẹ ruột, nhưng sau đó cô ấy điện thoại về nhà báo tin là đã tìm được một việc làm tốt và có chốn nương thân khác”, người đàn ông kể, giọng nặng trĩu.

Cậu con trai lớn bên mái nhà đơn sơ của ba cha con. Dù mù lòa, người cha vẫn chăm sóc nuôi dưỡng các con khỏe mạnh, sạch sẽ, học tốt và nuôi dưỡng nhiều ước mơ. Ảnh: Gia Bảo.

Trước đây, mọi việc trong gia đình đều có sự chia sẻ của vợ, nhưng từ khi người phụ nữ bỏ đi thì anh Hai gánh vác hết vì các con còn quá nhỏ. Từ những công việc trong gia đình như giặt giũ, nấu cơm… đến đồng áng anh làm tất. Anh còn thường xuyên đi làm ruộng, lúc rảnh còn mò cua, bắt cá kiếm ăn mỗi ngày.

Được cha mẹ chia phần cho 7 công đất ruộng, mỗi ngày anh lội đồng thăm lúa một lần. "Mảnh ruộng cách nhà chừng hai cây số. Cứ theo thói quen, tôi lội con đường mòn ven bờ ruộng, rồi băng qua hai con kênh, đi thêm một đỗi khá xa, đến nơi có chòm cây là miếng đất ở đó", anh nói. Nhiều khi trời mưa trơn trợt, người đàn ông lọ mọ bước thấp, bước cao trên bờ kênh, ngã oành oạch hoài. Cứ ngã thì đứng dậy dò lại đường và đi tiếp. Anh bảo: "Nhổ cỏ, be bờ, thăm đồng thì làm được. Chứ còn sạ lúa, sạ phân hay xịt thuốc thì phải mướn lối xóm làm, vì mấy công đoạn này làm không kỹ sẽ thất mùa”.

Hai đứa con đi học cách nhà gần 10 cây số, trước đây có chiếc xe đạp cũ nhưng rồi hỏng đành phải đi nhờ xe bạn. Có những lúc Lúa và Bạc thấy cha cực khổ quá định nghỉ học ở nhà phụ giúp. Nhưng nhờ thầy cô, và hơn hết là bố nhỏ to khuyên nhủ nên các em vẫn tiếp tục đến trường.

Lúa kể, gia cảnh khó khăn nhất mỗi khi mùa nước nổi về vào tháng 8 âm lịch hàng năm, khi ấy nhà cửa ngập lênh láng, đồng áng bị thất thu. Cậu bé kể: "Có lúc chỉ ba cha con ngồi co ro trong mái nhà lụp xụp, buồn xo, trống vắng, cháu nhớ mẹ lắm". Còn người cha thì tâm sự: “Tôi cũng đã quen, chỉ tội hai đứa nhỏ không có mẹ nên nhiều lúc chúng buồn khóc mà tôi chẳng làm gì được”.

Với tuổi còn ngây thơ khờ dại, hai cậu bé, đứa thì ước muốn trở thành bác sĩ để chữa sáng mắt cho cha, còn đứa mơ làm giáo viên để giúp trẻ em xóm nghèo biết chữ.

Đáp lại sự hy sinh vất vả của cha, hai con anh Hai tuy không thuộc hàng xuất sắc về học lực, nhưng cũng học rất khá, được nhiều thầy cô thương mến. “Anh Hai cũng thường hay nói với tôi sẽ không cho hai đứa trẻ nghỉ học, vì không học như cha sau này khổ lắm", giáo viên của Lúa cho biết.

Ông Lê Minh Xuân, Phó chủ tịch UBND xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, cho biết, trong bối cảnh địa phương đang cố gắng vận động học sinh bỏ học đến trường thì suy nghĩ của anh Hai là rất đáng trân trọng. Ba bố con cũng là một trong những hộ cần được ưu tiên giúp đỡ trong xã.

"Người đàn ông này đã làm cho nhiều người hàng xóm thán phục về nghị lực và ý chí vươn lên, trước khó khăn mù lòa đã không gục ngã mà vẫn đứng vậy nuôi hai đứa con ăn học tươm tất như bao bạn bè khác", ông Xuân nói.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *