Bên bờ hạnh phúc

Ngày 28/4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (giữa) phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

 

Báo cáo về tình hình hạn mặn, xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy hạn, mặn xâm nhập đã làm toàn vùng thiệt hại trên 208.000ha lúa, trong đó thiệt hại giảm trên 70% năng suất chiếm tới gần 120.000ha lúa; trên 9.400ha cây ăn quả bị thiệt hại.

Độ mặn cao cũng làm trên 2.000ha nuôi tôm cá quảng canh của toàn vùng bị thiệt hại. Nghiêm trọng hơn là hiện toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có khoảng 225.800 hộ thiếu nước sinh hoạt, riêng Sóc Trăng có 43.000 hộ…

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy từ cuối năm 2015 đến nay ở khu vực các sông Vàm Cỏ, sông Tiền, Sông Hậu xâm nhập mặn ở mức cao hơn mức trung bình nhiều năm và xâm nhập mặn sâu vào đất liền từ 50-150 km. Độ mặn cao nhất là sông Tiền đạt đến mức 31,5 g/l, sông Hậu ở mức trên 27 g/l.

Riêng khu vực ven biển Tây độ mặn ở mức 28 g/l. Tuy nhiên từ đầu tháng 4/2016 do có dòng chảy từ các hồ chứa thủy điện, độ mặn đã giảm bớt. Tuy nhiên toàn vùng hiện chỉ xuống giống vụ Hè Thu được trên 47% diện tích do một số địa phương chưa có nguồn nước ngọt nên không thể xuống giống.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh lưu ý việc đảm bảo nước sạch sinh hoạt cho nhân dân, vì dự báo tình hình hạn mặn còn diễn biến nặng, nên các địa phương phải chỉ đạo chặt chẽ công tác sản xuất, thời vụ xuống giống, nhất là vụ lúa thu đông có nên làm hay không ở các vùng khó khăn về nước ngọt.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình xâm nhập mặn, huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của người dân để đẩy mạnh công tác phòng chống thiên tai, hạn mặn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần theo dõi chặt diễn biến, tình hình mặn để kịp thời thông tin cho các địa phương và người dân chủ động ứng phó, chủ động tích trữ nước ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt; các tỉnh, thành sớm giải ngân các nguồn ngân sách hỗ trợ sản xuất; chỉ đạo sản xuất phù hợp với tình hình hiện nay, cơ cấu lại mùa vụ; tăng cường liên kết các địa phương trong việc ứng phó với hạn hán và mặn xâm nhập, qua đó khai thác các nguồn lực, tài nguyên được hiệu quả nhất.

Đối với các biện pháp lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung kịch bản về biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực dự báo thời tiết, khí hậu cực đoan, biện pháp ứng phó từng giai đoạn, xây dựng các quy hoạch mới trên cơ sở thích ứng biến đổi khí hậu, trữ nước ngọt; xây dựng quy hoạch vùng trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư ngắn hạn và dài hạn tại các địa phương; lập các chính sách hỗ trợ đặc thu cho một số vùng bị ảnh hưởng nặng, các cơ chế chính sách cho sản xuất nông nghiệp công nghiệp các công trình phòng chống thiên tai để Chính phủ chuẩn bị vốn; quản lý việc khai thác cát, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển chống sạt lở; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ứng phó, phòng chống biến đổi khí hậu…

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, dự báo tình hình xâm nhập mặn trong thời gian tới vẫn ở mức gay gắt và phức tạp, do vậy, công việc cấp bách cần thực hiện là theo dõi chặt diễn biến thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn để cụ thể hóa cho từng vùng, từng khu vực làm cơ sở xác định cơ cấu mùa vụ cũng như đề ra các giải pháp kỹ thuật đối với trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các bộ, ngành và 11 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều ý kiến nêu thực trạng khó khăn do biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, tình hình khô hạn, mặn xâm nhập đã và đang ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây thiệt hại lớn đến sản xuất, phát triển kinh tế… Nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ, ngành chức năng có biện pháp khẩn trương, thiết thực để thích ứng, đối phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra./.

Nguồn: TRUNG HIẾU (TTXVN/VIETNAM+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *