Bên bờ hạnh phúc
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng. Không khôi phục “tử hình bằng xử bắn”. Khắc phục việc lạm dụng đình chỉ.
 
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về công tác tư pháp và phòng chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN
 

Chiều 27-11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua nghị quyết tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo nghị quyết này, “người đứng đầu, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, không kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; chịu trách nhiệm về những trường hợp xử lý hành chính, kỷ luật không đúng quy định pháp luật để lọt tội phạm, bao che cán bộ do mình quản lý có hành vi tham nhũng”.

Tập trung thanh tra các tổng công ty nhà nước

QH yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Chính phủ, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; kịp thời thanh lọc, xử lý nghiêm minh người mắc sai phạm, tiêu cực; từng bước kiện toàn các đơn vị chuyên trách trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng…

Để hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng, QH yêu cầu trong năm 2014, Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Chính phủ cũng phải hướng dẫn việc bảo vệ, biểu dương, khen thưởng người tố giác tội phạm, việc xử lý các hành vi trả thù người tố giác tội phạm, tố cáo tham nhũng…

Theo nghị quyết nói trên, TAND Tối cao có trách nhiệm hướng dẫn tòa án các cấp áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước. Cũng trong năm 2014, TAND Tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “đất có diện tích lớn, rất lớn và đặc biệt lớn” trong các tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng của BLHS…

Không được bức cung, dùng nhục hình

Nghị quyết của QH cũng nêu rõ: Cơ quan điều tra, điều tra viên phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra; nâng cao chất lượng công tác điều tra, thu thập đầy đủ cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội; tạo điều kiện cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu; trọng chứng hơn trọng cung.

Đáng lưu ý, cơ quan điều tra, điều tra viên không được bức cung, dùng nhục hình; tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; đẩy nhanh tiến độ điều tra các loại án; bảo đảm việc lập hồ sơ vụ án hình sự phải khách quan, toàn diện theo đúng quy định pháp luật. Hằng năm, cơ quan điều tra phải tăng tỉ lệ phát hiện, khám phá các loại tội phạm.

Không khôi phục “tử hình bằng xử bắn”

Trước khi thông qua nghị quyết nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH về dự thảo nghị quyết nói trên. Theo ông Hiện, có một số ý kiến đề nghị khôi phục lại biện pháp “tử hình bằng xử bắn” và ghi nhận nội dung này vào nghị quyết. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH thấy rằng việc bổ sung hình thức tử hình bằng xử bắn, đồng thời với hình thức bằng tiêm thuốc độc là vấn đề hệ trọng, phức tạp liên quan đến thẩm quyền quyết định hình thức tử hình, liên quan đến sửa đổi nhiều quy định trong Luật Thi hành án hình sự như: Điều 59 về “Hình thức và trình tự thi hành án tử hình”, Điều 60 về “Giải quyết việc xin nhận tử thi, hài cốt của người bị thi hành án tử hình” và khoản 3 Điều 181 về “Hiệu lực thi hành Luật Thi hành án hình sự” đã bãi bỏ hình thức tử hình bằng xử bắn.

Sau phiên thảo luận tại hội trường, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp làm việc với lãnh đạo Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao về vấn đề này. Các cơ quan đều thống nhất là không bổ sung hình thức tử hình bằng xử bắn vào nghị quyết này mà phối hợp để đẩy nhanh việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị không quy định “tử hình bằng xử bắn” vào nội dung nghị quyết.

Khắc phục việc lạm dụng đình chỉ

VKSND Tối cao sẽ có trách nhiệm chỉ đạo VKS các cấp thực hiện tốt quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp trong suốt quá trình tố tụng; chống lạm dụng việc bắt khẩn cấp, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan giảm đáng kể tỉ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đồng thời, khắc phục các trường hợp lạm dụng khoản 1 Điều 25 BLHS để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không đúng quy định pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa.

Chỉ tiêu định tính

Từ năm 2014 và những năm tiếp theo, ngành tòa án sẽ thực hiện chỉ tiêu định tính là hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan”.

Theo Đức Minh ( PL TPHCM )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *