Bên bờ hạnh phúc

Tất nhiên, khi ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang), ai cũng mong muốn được tham quan những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của nó. Nhưng, thật bất ngờ thú vị, nếu như bạn được thưởng thức mấy món quà độc đáo mà hình như chỉ có ở "đảo ngọc" mà thôi.

Bánh tét mật cật

Hai nhà văn hóa Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiểm đã viết trong bài "Cảnh vật Hà Tiên" đăng trên Nam Phong tạp chí từ năm 1930 : "Mồng 5 tháng 5, có bánh trạng gói bằng lá mật cật, bốn góc như bánh ú, nên có người kêu bằng bánh ú nước tro vì nếp phải ngâm nước tro mới được" (Nhiều tác giả, "Du ký Việt Nam" – tập I, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu, trang 538, NXB Trẻ, 2007). Đây có lẽ là thủy tổ của bánh tét mật cật được bán không biết từ bao giờ ở Phú Quốc.

Tham quan chợ Dương Đông – ngôi chợ lớn nhất của huyện đảo – khách ngợp mắt trước đủ loại hàng hóa "nhập" từ đất liền hoặc từ các tàu biển. Nhưng thu hút khách phương xa nhất vẫn là những đòn bánh tét mật cật.

Mật cật là loại cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc đầy trên dãy núi Hàm Ninh. Người ta thường dùng lá mật cật để chằm nón lá. Ở Phú Quốc, lá chuối đâu phải hiếm, nhưng chẳng biết can cớ gì lại dùng loại lá này gói bánh tét? Điểm độc đáo nữa của bánh tét mật cật là không gói thành đòn tròn, mà gói thành hình tam giác.

Để có đòn bánh này, trước tiên, người ta phơi lá mật cật hơi héo, rửa và lau lá bằng dầu cho mềm thêm. Nếp gói bánh là loại nếp rặt, vuốt sạch, để ráo. Sau đó, nhuộm nếp với nước cốt lá bồ ngót cùng lá dứa để tạo màu xanh ngọc bích và mùi thơm hấp dẫn. Đậu xanh cà nấu nhừ cùng dây thịt mỡ làm nhưn. Gói đòn bánh mật cật là việc làm công phu vì mặt lá hẹp. Nhưng buộc dây làm sao cho đòn bánh không quá chặt hoặc quá lỏng đòi hỏi tay nghề cao. Buộc chặt quá, có khi bánh sống hoặc khô. Buộc lỏng, bánh nong nước, không ngon. Đặc biệt, bánh tét mật cật không xào nước cốt dừa nên để được lâu ngày. Đòn bánh lớn 10.000 đồng, đòn nhỏ 5.000 đồng.

Nấm tràm

Chỉ mới mấy cơn mưa đầu mùa mà nấm tràm được bày bán tràn lan khắp chợ. Lẫn trong các thứ hàng bông là những thau nấm tràm nằm khoe cái màu trắng sữa của những tai nấm viền màu sô-cô-la thật bắt mắt. Ai đã một lần được thưởng thức nấm tràm xào tép, thịt ba rọi, nấu canh tập tàng hoặc nấu cháo hải sản, dứt khoát phải dừng chân mua một vài ký về nhà. Ở Phú Quốc, nấm tràm được thưởng thức khá cầu kỳ. Gà giò chuẩn bị sẵn, cho vào nồi bắc lên bếp ga, luộc vừa chín tới, thả nấm vào. Trong chốc lát, cả bọn quây quần bên nhau, nhẩn nha nhai những tai nấm đẹp như miếng rau câu, vừa giòn vừa xốp, càng nhai càng nghe vị đắng từ từ lan tỏa khắp vòm miệng. Trong chốc lát, thật lạ lùng, vị nhân nhẩn ấy biến đâu mất, chỉ còn lại cái hậu ngọt một cách khó hiểu. Húp miếng nước, bạn mới biết nấm tràm ngon còn vì cái vị nhân nhẩn đắng chưa kịp hân thưởng đã nhanh chóng trở nên ngọt lừ trôi tuột xuống tận dạ dày. Nếu đánh bắt được con cá rựa hoặc cá nhồng, người dân nhất định sẽ lấy thịt làm chả cá nấu với nấm. Trước khi múc ra tô, người ta đập một vài trứng vịt thả vô. Món ngon "tuyệt cú mèo" này sẽ là kỷ niệm khó quên đối với bất cứ ai đã một lần được thưởng thức. Cái vị đắng có một không hai của nó hòa trong vị ngọt của con cá rựa, cá nhồng và vị béo của lòng đỏ trứng vịt như cứ làm ngây ngất các chân răng và tê mê khẩu cái.

Khoai mì quết, bánh canh bột khoai mì

Sau bữa tiệc thịnh soạn toàn đặc sản biển, ông chủ nhà hàng Vườn Táo sẽ cho tráng miệng một món mà ai cũng tưởng là xôi. Đó là khoai mì quết.

Khoai mì quết được làm khá công phu. Đầu tiên luộc chín khoai mì, rút bỏ cọng tim, trộn chung với dừa nạo nhuyễn và muối mè đường đem quết. Muốn có dĩa khoai mì quết ngon, phải dùng lẫn lộn hai thứ : khoai mì kè, khoai mì bột và phải quết thật nhuyễn mới ra nét của nó. Ăn khoai mì quết, người ta thưởng thức được vị béo của dừa nạo, vị bùi của mè, vị mặn của muối, vị ngọt của đường và bột khoai mì đã hòa quyện vào nhau.

Quán bánh canh nằm trên con lộ đất bên này cầu Nguyễn Trung Trực. Nổi lên mặt tô là mấy lát cá thu trắng tinh, mấy lát chả cá thu tươi vò viên và mấy miếng cá thu chiên vàng. Điểm xuyết mặt tô là màu xanh của những cọng ngò gai xắt nhuyễn. Giằm ớt hiểm rừng vào chén nước mắm cốt, chan một ít vào tô bánh, nặn chanh, trộn đều. Gắp một đũa, nhai. Cảm nghe sợi bánh dai dai, mềm giòn, ngọt tinh bột đang nhừ trong răng. Để có sợi bánh này là một việc làm khá công phu. Đầu tiên, người ta lấy khoai mì làm thành bột. Nhồi bột này với nước nóng trong một cân lượng theo yêu cầu rồi cán thành miếng dẹp, xắt thành sợi. Sau đó, cho sợi bánh vào nồi nước sôi, dùng đũa to đảo vài lần là được. Nhưng bí quyết để có sợi bánh ngon như vừa kể là phải trụng sao cho còn "ngòi" (tim đục – phần ruột chưa chín hết). Múc một muỗng nhai, vị ngọt của cá thu tươi, cá thu chiên thấm ngay vào đốc họng. Đặc biệt, bánh canh cá thu rất ít mỡ nên không làm người ta ngán. Đây là quán duy nhất tại đảo này bán bánh canh cá thu được làm bằng bột khoai mì. Chính nhờ nét độc đáo ấy mà quán thu hút rất đông khách. 6 giờ sáng mở cửa, 8 giờ sáng đã hết hàng. Giá mỗi tô 10.000 đồng, ăn no!

Phù Sa Lộc – Báo Hậu Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *