Bên bờ hạnh phúc

    

Ảnh: : vinhphucdost.gov.vn

     Bạn tôi cười : “Nhớ cái gì tốt đẹp không nhớ, lại đi nhớ con cua đồng … “Lúa” quá! Bạn tôi sống ở thành thị, con nhà giàu có, quen cơm tấm, hủ tiếu, bánh mì thịt … Còn gia đình tôi sống ở nông thôn với gần chục công ruộng và ba công vườn.
     Ba tôi giỏi lắm, vừa lo bao nhiêu vườn ruộng đó vừa quán xuyến một phòng mạch nho nhỏ khám theo giờ. Nhưng gia đình không có nhiều tiền … Ba làm việc cho Nhà nước. Thuốc thì xã đưa về bán theo giá quy định. Còn khám bệnh thì đâu có tính tiền khám như bây giờ. Mà chắc cũng không nỡ lấy tiền như thế vì thời đó ai cũng nghèo, trả được tiền thuốc là quý rồi.
     Hễ sáng đi thăm ruộng là ba xách theo cái thùng … Do đó, trong nhà luôn có cua, ốc. Thịt cá thì hiếm chứ cua đồng thì hầu như bữa cơm nào cũng có. Và năm chị em tôi lớn lên bằng hạt gạo đẫm mồ hôi của ba má và bằng phần nhiều ốc, cua đồng … Tự dưng tôi lại ngớ ngẩn nhớ cua đồng da diết. Nhớ tiếng khua càng của chúng trong thùng thiếc làm giấc ngủ chợt gián đoạn để rồi lại chìm trong giấc mơ “ngày mai lại ăn cua”.   

     Nhớ tiếng đâm cua trong cối đá vang lên mỗi sáng, mỗi chiều ở từng nhà, nghe rộn rã, hay hay … Nhớ tổ cua rang chấm muối ớt, nhăn đến tưa lưỡi mà cũng không được bao nhiêu thịt, nhìn mấy đứa em trai nhai ngoe rau ráu thấy phát thèm. Nhớ món canh rau quê lúc nào cũng có riêu cua, ngọt lừ và không bao giờ ngán. Ba nói ăn cua rất tốt, thế là bữa cơm nào cũng có món ăn dân dã ấy, dù nhà có thịt gà kho sả ớt hay canh chua lươn cũng phải … đâm cua, không nấu canh thì cũng vớt riêu cua kho với hột vịt.

     Tuổi thơ chị em chúng tôi gắn liền với con cua đồng. Đứa lớn thì … đá cua, tức là cho hai con cua kình cành “kênh” với nhau, kẹp lấy nhau. Đứa nhỏ thì chơi trò … kéo xe – ba buộc dây vô mai cua cho em tôi kéo. Sau này, ba còn làm được chiếc xe mà bốn bánh là bốn … con cua, chở được như xe hàng khiến cậu em út tôi cười tít mắt.
Chị em chúng tôi trai cũng như gái đều được huấn luyện bắt cua thế nào để không bị cua kẹp, nhưng cuối cùng ai cũng bị cua kẹp nhiều lần, có khi đến chảy máu. Nhớ nhất là khi mưa xong, cua trong hang bò ra đón sự mát lành, chị em chúng tôi lại ra quân và thắng lớn.

     Nhà nhà đều bắt cua như thế mà khoảng đồng nhỏ híu lại không bao giờ hết cua. Có lẽ vì một con cua đẻ tới hàng trăm cua con. Nhiều năm nay, tôi không được ăn cua ở đồng quê, vì ba tôi đã mất, mẹ tôi già. Muốn ăn cứ ra chợ, có ngay. Nhưng không khí ấy, vị ngọt cua đồng ấy không bao giờ tìm lại được. Ở quê bây giờ cũng ít người bắt cua. Xuồng hàng ra rả một đoạn sông, xe chạy vù dăm phút tới chợ nên người ta lười bắt cua. Nhưng nghe nói bây giờ cua không còn nhiều vì người ta lo bảo vệ lúa hơn là bảo vệ cua. Dù sao tôi cũng phải cám ơn những chú cua đồng bé nhỏ của một thời xa xưa ấy!

Hương Huyền – Báo Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *