Bên bờ hạnh phúc

   Không chủ quan nếu không nói tôi, người viết, đang cố tình làm một thử nghiệm: Đưa 2 gã bạn cũ, một từ San Jose, Mỹ và một từ Vancouver, Canada sang, đi ăn. Cứ giả vờ chọn nhà hàng sang trọng để vào. Menu đưa ra, hỏi nhà hàng có đặc sản gì không? NgưỜI phục vụ hăng hái: “Tôm hùm, hải sản, gà hấp sâm…” Gã San Jose hỏi: “Có bầu chấm chao không?”, gã “Vancouver” hỏi : Có bông bí, đọt lang chấm tương không?…

  Nhà hàng hơi chưng hửng nhưng vẫn chiều khách. Vậy thì : bầu chấm caho, rau lang chấm tương, bông bí xào tỏi, mướp hương đậu bắp, đậu rồng, xà lách một đĩa to đùng, thêm một món mặn là đủ…
Khi tính tiền, chẳng rẻ chút nào, cái thứ mà ta tưởng chẳng ra gì, chẳng đáng là bao ở nhà, ở miền quê, ở chợ….

  Sao chẳng ra gì được! Những món ấy, những thứ “nhà quê” bình thường ấy, giờ đây vào nhà hàng có giá ngất ngưỡng ấy chứ. Rau muống xào tỏi giá 30-45 nghìn, bầu hấp cá lóc, bầu luộc ; 50-80 nghìn …rau lang ; 25-30 nghìn…Giá đó mà nói chẳng đáng gì, đùa sao?
Những món “nghèo mạt” một thời, ngày nào cũng phải ăn một thời, khi đổi đời, nó bỗng trở nên sang trọng, đắt tiền chứ chẳng thua gì sơn hào hải vị…Thịt thà lắm khi đã thừa mứa, “rau cỏ làng ta’ mới thật phát huy sức quyến rũ của mình…
Nhìn đĩa rau lang luộc chấm tương, tôi thấy nhớ…

Những bữa ăn của một thời gian khó:

  Đấy là những năm của thập niên 80 (thế kỷ 20), cả nước “đói xanh mắt”. Thời bo bo nhiều hơn gạo, thời nuôi heo trên tầng thượng, thời duy ý chí, vỉa hè, lề đường, chỗ nào có đất là trồng…rau tất tật. Hoa cỏ đi chỗ khác chơi.

  Nơi tôi làm việc là một biệt thự mang phong cách Tây Ban Nha trên con đường thuộc loại đẹp của Thành phố. Nó là tòa soạn cảu tờ báo Thiếu nhi : số 55 Nguyễn Đình Chiểu. Sân của biệt thự trước trồng hoa nay trồng …rau lang, lao động bắt buộc để tự túc lương thực cho… tòa soạn (!!!).

  Tự túc gì mà khi thu hoạch, khoai lang chỉ to bằng ngón út, ốm tong teo như mớ rễ cây. Chỉ có cái đọt rau là xơi ngon. Luộc lên, thêm chén nước tương là … qua được một ngày. Ăn rau lang tới nỗi mặt mũi ai cũng “phảng phất” màu xanh của rau. Có còn hơn không, nhưng có… liên miên cũng phát hoảng, phát ốm.
  Vậy mà cũng có một chuyện thật như bịa. Một đồng nghiệp trạc tuổi tôi khi ấy, to cao, vạm vỡ, nhưng tên thì như con gái : Tường Trúc. Anh là người phụ trách mảng dịch thuật tiếng Nga và tiếng Anh. Trúc ở tại cơ quan nên phụ trách luôn cái vườn rau bò lổm ngổm trước sân ấy. Anh chăm sóc và mỗi ngày xách rổ rá đi hái đọt lang cho bữa cơm trưa, chiều.

  Tôi cũng ở luôn cơ quan, ăn cơm với Trúc. Hôm nào có nhu yếu phẩm, có vài trăm gram thịt thì có bữa thịnh soạn. Còn lại vẫn mỗi ngày chén nước tương, đĩa rau luộc.
Tháng Sáu, mưa lê thê. Từ cửa sổ tầng một nhìn xuống vườn rau xanh mướt, thấy vừa đẹp lại vừa buồn. Toàn là thanh niên trai tráng trên dưới 20 tuổi, ăn uống kiểu đó cũng qua ngày, nhưng cũng quá … oải. Nhưng cũng may, trời cho Trúc vóc dáng vạm vỡ, sức khỏe đáng nể.

  Một hôm, cả cơ quan tổ chức đi Đà Lạt. Tới đèo Prenn, xe mất thắng tuột dốc, có nguy cơ rơi xuống vực. Trúc mở cửa nhảy xuống, ôm cọc tiêu bằng ximăng trên đèo, nhổ bật như Hercules, chèn vào bánh sau. Khi ấy, chiếc xe đã mấp mé vực sâu. Cả đoàn thở phào. Còn Trúc cười :”Tui mà không phải ăn toàn rau lang, tui còn ngon hơn nhiều … “
Nhiều năm qua đi, mỗi chiều Sài Gòn mưa tầm tã, đi qua tòa biệt thự ấy, nhìn vào vườn hoa, tôi lại nhớ Trúc, nhớ một thời mặt mũi ai cũng phảng phất … màu xanh đọt khoai.

Kỷ niệm về rau và hoa với Nguyên Thủ tướng:

  Cho đến một ngày ông Bí thư Thành ủy (nay là nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) tới thăm. Ông hỏi :” Đây là cơ quan gì?”, “Thưa, tòa soạn báo Thiếu nhi ạ”. “Thế tòa soạn dành cho trẻ con, thiếu niên nhi đồng có cần đẹp không?”, “Thưa, cần ạ”, “Vậy sao không thấy trồng hoa?” Ba mớ khoai trước sân thì các bạn thu hoạch có đủ no, đủ ăn không?’..

  Nhờ thế mà “khoai lang, rau lang, tạm biệt mày nhé!”. Cả bọn lại cuốc đất trồng hoa. Có hoa, cơ quan bỗng đẹp rộn ràng. Nay, biệt thự đã dành cho cơ quan nước ngoài nào đó. Và nó còn đẹp hơn rất nhiều.
Trở lại những đĩa rau lang hôm nay, nó khác rồi, nó oách rồi, nó có gái rồi và nó bỗng ngon gấp 10 lần xưa rồi. Vì thịt gia cầm, gia súc đang gặp đại nạn lở mồm, long móng, H5N1… Rau củ quả là khuynh hướng đầy chất ‘yoga”, “thiền” cho bao tử lẫn sức khỏe con người.
Vậy thì hỡi bầu, hỡi bí, hỡi rau muống, rau lang, hỡi mồng tơi, cà pháo … Có ngày khóac áo hoa chớ quên thời áo vải, guốc mộc là được. Nhỉ! 
    (Đỗ Trung Quân – Báo Tiếp thị Gia đình

Nguồn ảnh: nguoivienxu.vietnamnet.vn)


CỦ MÌ RẮC DỪA
Những ngày xa xứ,tôi nhớ hoài mùi thơm củ mì rắc dừa trong chiều mưa

Chỉ còn vài ngày nữa là tôi sẽ lên đường đi du học.Cả tháng nay,ngày nào trước khi đi làm,mẹ cũng hỏi tôi:”Hôm nay con muốn ăn món gì?”.Hình như mẹ muốn cho tôi ăn dồn hết mọi thứ cho cả bốn năm học.Tôi cũng đã nghĩ hết những gì mình muốn để vòi vĩnh mẹ.
Chỉ còn một ngày nữa thôi.Tối nằm ngủ,khe khẽ vuốt tóc tôi,mẹ lại hỏi một câu quen thuộc:”Mai con ăn gì”.Tôi nghe giọng của mẹ nghèn nghẹn.Tự dưng tôi buột miệng:”Con thèm ăn củ mì rắc dừa mẹ à”.Mẹ cười:”Sao lại ăn cái đó,món gì khác cho ngon ngon đi con”.Tôi nũng nịu:”Trời mưa này,ăn củ mì rắc mì đã lăm mẹ”.
Tôi thấy mẹ lặng đi.Chắc mẹ đang nhớ những ngày gian khó của gia đình tôi.Bữa sáng của mấy chị em tôi trước khi đi học chỉ là mấy củ mì,củ khoai,trái bắp luộc.Thế mà mẹ luôn cố nấu cho ngon,canh nước cho vừa.Để củ mì,khoai lang không bị nhão,đúng với sở thích của tôi.
Đến bây giờ,mỗi khi ăn củ mì của một tiệm bánh nổi tiếng trong thành phố,tôi vẫn cứ chê nguầy nguậy:”Không ngon bằng mẹ nấu”.
Chiều ấy,mẹ đi làm về trễ.Dắt xe vào nhà,không kịp vuốt nước mưa trên mặt,mẹ rút từ trong chiếc túi ủ trước bụng ra bịch củ mì.Tôi cầm nó mà vội rụt tay lại.Nóng hổi.
Tôi hỏi mẹ:”Sao mẹ đeo vào bụng vậy?Nó nóng lắm!”.Mẹ cười âu yếm:”Đường xa,mẹ sợ về nhà,nó nguội mất nên mẹ ủ vào bụng”.Tôi nhìn mẹ nước mắt rưng rưng.Mùi hương củ mì rắc dừathơm phức ấm áp trong chiều mưa.
Giờ đây sóng nơi xứ người,những chiều mưa lạnh hay tuyết rơi,tôi lại nhớ bọc củ mì rắc dừa của mẹ.Cái hương thơm ấm áp ấy đã sưởi ấm lòng tôi,giúp tôi vượt qua nỗi cô đơn xa xứ.
THI NHÂN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *