Bên bờ hạnh phúc

 
 Ảnh : tuoitre.com

    Cha tôi ngày trước nói rằng : "Bí rợ (bí ngô) để trồng, cho nhiều quả, dễ nấu, ăn ngon, nhất là các món nấu từ bông và ngọn bí…"

   Ngày trước, sau những cơn mưa cuối mùa vào tháng 11 (âm lịch), dọc theo bờ rào, hoặc các triền ta-luy, người ta dùng cây nhọn thọc lỗ, tra vào mỗi hốc hai hạt bí. Những tia nắng ấm đầu xuân, làm cho các hạt bí nhanh chóng “đâm chồi nẩy lộc”.

   Những ngọn bí mập mạp, kèm theo những cọng vươn ra lóng ngóng hay níu bám các cọng tre nhỏ. Khoảng hai tháng sau, các dây bí đã bò tràn khắp giàn và ra hoa kết quả. Thú vị là ngọn, trái non, nụ, bông… đều nấu các món ăn ngon. Khách đến nhà chơi, gặp lúc "vợ thì đi vắng, chợ thì xa”, chỉ độ nửa tiếng sau, bạn đã có bữa cơm rau ngon lành với các món bí non xào tỏi, canh bí nấu với tép khô…

    Đặc biệt là món bông bí xào tỏi. Món này, chủ yếu hái các nụ hoa bí chưa nở, tước lớp vỏ quanh cuống. Dầu phụng thứ thiệt, phi tỏi cho thơm, xào bông bí, nêm nếm cho vừa, mùi thơm hòa quyện cái ngọt bùi của búp bông, ngon đến miếng cơm cháy cuối cùng cũng được bới ra chia!

     Ngoài ra, nụ bông bí cũng dễ chế biến thành các món ngon như : bông bí xào tôm, thịt ba chỉ, thịt bò, tép khô… Món hoa bí luộc dân dã, chấm với nước cá hay nước mắm tỏi, chanh… ăn cơm cũng bắt.

    Đặc biệt, mỗi buổi sáng, sau khi đi thụ phấn cho hoa cái xong, ngắt những nhụy đực, lấy que tre nhỏ xâu lại đem nướng, một mùi thơm quyến rũ, chứa đầy ngọt và bùi lan tỏa.

Hải Đăng – Báo Sài gòn tiếp thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *