Bên bờ hạnh phúc

Trong các vườn gia đình của nước ta, đu đủ là một trong những cây ăn trái được trồng phổ biến. Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm bổ dưỡng, đu đủ từ lâu còn được xem là dược liệu có nhiều công hiệu đáng quý.

 

Đu đủ có tên khoa học Carica papaya L., thuộc họ đu đủ (Caricaceae). Chúng là cây đa tính: các cây đực có hoa đực và hoa lưỡng tính, cây cái có hoa cái và hoa lưỡng tính. Trái kết từ hoa cái thường tròn, khoảng rỗng trong trái to, thịt mỏng, nhiều hạt. Còn các trái kết từ hoa lưỡng tính thì dài hình quả lê, có khi có những trái dị dạng do số lá noãn không phải là năm như bình thường mà chỉ có 2 hoặc 3, có khi đến 9 – 10 lá noãn hợp lại thành bầu một ô; thịt dày và chứa ít hạt.

Thức ăn bổ dưỡng

Người ta trồng lấy đu đủ chín làm thức ăn bổ dưỡng. Trong 100g ăn được của đu đủ chín có: nước 87,1%; protein 0,5%; lipid 0,1%; đường tổng số 11,8%, các vitamin B1 0,03mg; tương đương vitamin A 710microgram, vitamin C 73mg; vitamin B2 0,05mg, vitamin P 0,4mg; các chất khoáng: calcium 24mg, phosphor 22mg, sắt 0,7mg, natrium 4mg, kalium 221mg. 100g đu đủ cung cấp cho cơ thể 45 calo.

Trái đu đủ khi còn xanh cũng có nhiều công dụng: dùng nấu thịt (nhất là thịt ba rọi) cho chóng nhừ, luộc ăn, dùng muối dưa, làm mứt… Đu đủ xanh sống có tác dụng tiêu mạnh nhưng ăn nhiều thì xót ruột (do đó người đau dạ dày nên kiêng ăn). Lá đu đủ gói thịt trong vài giờ sẽ làm cho thịt mềm nhanh.

Thuốc hay đa dụng

Trái đu đủ chín có vị ngọt, rất bổ, ăn nhiều thì nhuận tràng, giúp tiêu hoá các chất thịt, các chất albumin. Những người táo bón nên ăn nhiều để thông đại tiện; nếu ăn nhiều thịt, trứng và thức ăn nhiều đạm, thì nên ăn đu đủ tráng miệng vừa làm thuốc tiêu thực tốt.

Người bệnh loét dạ dày, kém ăn, dùng đu đủ xanh nấu chín với thịt gà, ăn cách ngày trong vài tuần. Bị chấn thương bầm giập, dùng ngay trái đu đủ xanh xẻ đôi, đổ vào ly rượu trắng và đặt lên bếp nấu cho chín, đem ra áp lên vết thương, có thể bóp nát rồi băng lên. Để trị giun kim, dùng vài miếng đu đủ buổi sáng sớm, ăn lúc đói, liên tục 3 – 4 ngày. Lá đu đủ nấu nước dùng tẩy sạch vết máu ở vải và các vết loét, vết thương, sát trùng. Rễ đu đủ dùng chữa rắn cắn (rửa sạch nhai nuốt nước, lấy bã đắp). Hoa đu đủ được nấu lên dùng làm thuốc hạ sốt, chữa ho (phối hợp với các vị thuốc khác, hấp đường) và cũng dùng trị giun. Hạt đu đủ ép có thể chiết xuất 25% một loại dầu thực phẩm. Trong y học hiện nay, người ta dùng nhiều nhất là nhựa đu đủ làm khô mà thành phần chính là papain, một hoạt chất có rất nhiều tác dụng (tiêu hoá protid, biến đổi các chất có albumin thành pepton; còn làm dễ tiêu hoá và giải độc…)

Theo GS.TS Võ Văn Chi (SGTTO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *