Bên bờ hạnh phúc

Ảnh minh họa : duongpho.com

Sóc Trăng – một miền đất trù phú ở Tây Nam Bộ, nơi có dòng sông Hậu mượt mà chở nặng phù sa. Đến Sóc Trăng, các bạn không chỉ nghe nói đến cuộc sống chan hòa giữa đồng bào người Kinh – Hoa – Khmer, mà còn được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng. Và chắc chắn các bạn sẽ không thể nào quên được hương vị mắm đậm đà trong tô bún nước lèo nghi ngút khói.

Một món ăn đậm đà bản sắc dân tộc

Món bún nước lèo có từ những năm 50 thế kỷ trước và là món ăn có nguồn gốc từ người Khmer. Tỉnh Sóc Trăng, một trong những nơi có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, được xem là quê hương của món bún này. Để chế biến bún nước lèo, cần nhất phải có mắm, mắm ngon mới đầy đủ hương vị. Theo phương pháp truyền thống thì mắm bồ hóc (prohok) được xem là nguyên liệu chính.

Đây là một loại mắm đặc biệt, chế biến bằng cách bắt cá lóc, cá trê đồng, tôm, tép tươi làm sạch. Sau đó, đem tất cả ngâm nước lạnh một đêm rồi vớt ra phơi nắng. Khi thấy cá, tép ráo nước thì ướp muối, trộn với cơm nguội cho vào hũ, khạp đổ nước muối nấu để nguội cho ngập; lấy thanh tre xiềng thật chặt. Đem phơi nắng khoảng 6 tháng thì mắm dùng được, càng để lâu càng ngon.

Có được mắm, phần tiếp theo là chế biến nước lèo. Đầu tiên, ta mang mắm đi nấu trong nước sôi cho đến khi rã thịt thì lọc bỏ xương lấy nước để riêng. Sau đó, hầm một nồi súp xương gà hoặc giò heo (đặc biệt, nếu chúng ta lấy dừa tươi làm nước hầm xương gà thì nồi nước lèo sẽ đậm đà hơn). Có được súp, ta lấy nước mắm đã lọc hết xương khi nãy đổ chung nấu cho sôi lên. Hỗn hợp súp xương và nước thịt mắm gọi là nước lèo. Nên nhớ khi nấu nước lèo phải bỏ kèm một nắm nhỏ sả cây và tép ngải bún đập giập mới đúng vị.

Ăn bún nước lèo cần có cá lóc luộc rỉa lấy thịt, tôm lột vỏ, thịt luộc xắt lát mỏng và bánh cóng ăn kèm. Rau thì cần có rau muống bào, bắp chuối thái mỏng, giá, hẹ sống, rau huế, chanh và ớt. Ta bỏ ít rau vào tô, lấy bún trụng 2 – 3 lần trong nước lèo rồi cho bún lẫn nước vào tô. Sau đó, ta sắp lên mặt tôm, thịt, cá lóc, chanh, ớt và rau chuối. Chúng ta sẽ có được một tô bún nước lèo đầy hấp dẫn, bảo đảm bạn ăn một lần nhớ mãi, mà ăn lần thứ hai thì thấy ngon hơn lần đầu. Đây là món ăn đậm đà bản sắc dân tộc không chỉ của người Khmer, mà còn của cả một vùng Nam bộ, thể hiện văn hóa đầy phóng khoáng, không cầu kỳ câu nệ.

Về miền Tây ăn… bún nước lèo

Xuất hiện từ rất lâu nên ngày nay, bún nước lèo Sóc Trăng đã lan rộng ra khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đến bất kì tỉnh miền Tây nào, bạn cũng có thể dễ dàng thưởng thức món bún này với giá khá mềm. Một tô đặc biệt giá 6.000 đến 7.000, còn thường thì chỉ có 5.000 đồng. Nếu “nhẹ túi’ hơn nữa, các bạn có thể thưởng thức tô bún nước lèo giá 2.000 đồng mà hương vị không kém phần đậm đà. Tuy vươn ra các tỉnh ngoài, nhưng chỉ có ở Sóc Trăng, Trà Vinh – hai kinh đô bún nước lèo – hương vị mới đậm đà, thơm ngon.

Những người quen ăn bún rất dễ nhận ra bún nước lèo Sóc Trăng có hậu ngọt của nước dừa, thơm lừng mùi ngải bún, mùi sả khác hẳn với bún nước lèo ở miệt Cần Thơ, Châu Đốc… Các tỉnh miệt Châu Đốc (An Giang), món rau ăn kèm chỉ có bông điên điển thôi. Cái vị đặc biệt của loài bông xứ nước nổi ấy lại tạo nên nét riêng cho nước lèo.

Ở TPHCM, bún nước lèo đã được nâng cao thêm để hình thành nên món bún mắm, nó khác hẳn dù nguyên liệu cũng chính là mắm. Tuy vậy, những người nhớ quê hương vẫn có thể tìm thấy hương vị đặc trưng món này ở khu vực Tân Hương – Tân Phú quận Tân Bình, TPHCM. Hoặc các bạn cũng có thể đến quán bún nước lèo Sóc Trăng (353/52 Điện Biên Phủ – Quận 3).

Tất cả sự khác biệt ấy hòa quyện lại tạo thành bản sắc vùng miền chứa đựng trong… một tô bún. Để rồi mỗi khi trời trở lạnh, gió bấc rét căm căm, bạn ngồi nơi quán cóc một mình hoặc cùng với bạn bè thưởng thức món bún nước lèo nóng hôi hổi với mùi thơm của sả lẫn mùi ngải bún, hòa lẫn vào đó vị mặn – ngọt – thơm của mắm, mùi hăng hăng cay cay, giòn giòn dai dai của rau, vị béo của thịt, ngọt giòn của tôm tươi, ngọt bùi của cá, vị chua của chanh, nồng của hẹ thì không còn gì bằng.

Cái lạnh lẽo sẽ bị xua đi nhường chỗ cho sự ấm áp, nồng nàn. Với những người xa, quê chắc chắn hương vị ấy sẽ luôn tồn tại trong tâm hồn của họ cho dù có đi xa nửa vòng trái đất. Tô bún nước lèo Sóc Trăng giờ đây đã đi rất xa, đã xuất hiện trong giai thoại làng văn nghệ và trở thành sự nhắc nhở chân tình của người xa quê: “Nhớ ghé Sóc Trăng ăn bún nước lèo và mang về quà mắm thơm ngon…”

Mai Phương – Báo Du lịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *