Bên bờ hạnh phúc

Trời nắng nóng kéo dài dễ khiến cơ thể bị mất nước, sinh uể oải, không còn hứng thú ăn uống. Vì vậy cần phải bổ sung nước và lựa chọn những thực phẩm phù hợp để cơ thể dễ hấp thu, đảm bảo sức khỏe.

 

 

Ăn ít thịt, nhiều rau củ và trái cây, uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể giảm sự chuyển hóa, giảm tạo nhiệt và giải độc. Trái cây và rau củ rất tốt trong mùa nóng nhờ cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng do chứa các hoạt chất chống oxy hóa. Về trái cây, dưa hấu giải nhiệt tốt nên rất được ưa chuộng, ngoài ra cũng nên dùng những loại trái cây có tính mát như thanh long, thơm, lê, bưởi, cam, quýt, chuối già. Có thể ăn tươi, làm sinh tố hay chế biến món salad đều ngon. Về rau củ, khổ qua đứng đầu danh sách lựa chọn giải nhiệt. Món ăn từ khổ qua rất đa dạng, có thể ăn sống với ruốc, luộc, kho, bào mỏng xào với trứng, dồn thịt nấu canh hoặc dồn thịt hấp rưới nước xốt lên, cắt miếng nấu canh với tôm hoặc chả cá thát lát, hay đơn giản xắt ra phơi khô dùng như trà hoặc chỉ ép lấy nước uống đều thanh nhiệt. Nên bổ sung dưa chuột, cần tây, cà rốt, củ cải, củ sắn, bầu, bí, cà chua, bông cải, bắp cải, ngó sen, măng tây, đậu bắp, rau dền, mồng tơi, rau đay, rau má… vào bữa hàng ngày. Món canh có tác dụng giải nhiệt rất tốt có canh bầu nấu với tôm, canh rau đay nấu với cua đồng, canh chua nấu với cá, tôm, hến. Với những món thịt, dùng thịt trắng tốt hơn thịt đỏ như thịt vịt, thịt gà; thủy hải sản có lươn, cua, cá, hàu, ốc, nghêu sò, hến. Dùng nhiều nấm rơm hay đậu hủ rất bổ dưỡng do cung cấp nhiều đạm và dinh dưỡng.

Cần bổ sung nước cho cơ thể bằng những thức ăn dạng lỏng như cháo, hủ tíu, mì, bánh canh, bún, nui, giúp cơ thể dễ hấp thu hơn cơm. Cháo hạt sen, cháo đậu xanh là những món nên ăn. Chè cũng là món ăn mát, nên ưu tiên dùng các thực phẩm thanh nhiệt như hạt sen, đậu xanh, đậu đen, bo bo, nha đam, phổ tai, thạch đen nhưng hạn chế cho nhiều đường. Nước uống thì nên dùng nước lọc, nước mát nấu từ mía lau, củ năng hay trà.

Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa những thực phẩm gây nhiệt, món ăn cay nóng sử dụng nhiều gia vị như ớt, tiêu, gừng, hành, tỏi, cà ri, quế, đại hồi. Những loại hạt như hạt điều rang, đậu phộng rang, hạt dưa, hạt bí; những thực phẩm chế biến sẵn như bánh kẹo, những loại trái cây nóng như xoài, nhãn, sầu riêng, mít, vải hay trái cây khô đều nên tránh dùng. Bữa cơm nên hạn chế các món nướng hay chiên xào nhiều dầu mỡ gây cảm giác khô và ngán, nếu có dùng, nên tăng cường rau trộn ăn kèm. Các loại thịt dê, thịt chó cũng nên tránh. Cách nêm nếm gia vị nên nhạt hơn, đừng quá ngọt, quá mặn hay quá cay làm gia tăng sự chuyển hóa gây nhiệt.

Mùa nóng, các bệnh về đường tiêu hóa và ngộ độc thực phẩm cũng tăng cao. Vì vậy cần chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh sinh bệnh.

Theo Mai Thảo ( Phunuonline )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *