Phòng tránh giun sán nhiễm vào hải sản phải được thực hiện ngay từ quá trình chế biến. Hãy tham khảo 4 bí quyết thiết thực dưới đây.
Hải sản tươi sống là món ăn giàu protein được nhiều người yêu thích. Môi trường ngày càng ô nhiễm là nguyên nhân chính đang làm nhiều loại hải sản tươi sống bị nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là giun và sán ngay từ khâu nuôi trồng. Các món gỏi hải sản tươi sống và tái chưa thể nào tiêu diệt được hết các loại ký sinh này nên dễ gây nên những hậu họa khôn lường cho sức khỏe con người.
Mặc dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng đa phần người Việt, nhất là đàn ông vẫn chưa thể bỏ hẳn thói quen ăn đồ tươi sống, trong đó phải kể đến các món gỏi làm từ tôm, cá chép, cá rô, hàu, các loại sò… Khi con người ăn đồ sống hoặc chưa được nấu chín, ấu trùng sẽ theo thức ăn vào đường ruột, sau đó di chuyển lên gan, mật dẫn tới nguy cơ nhiễm giun, sán, làm xơ hóa gan, viêm não, nhiễm khuẩn, thậm chí là dị ứng. Nhiều trường hợp dẫn đến ngộ độc hải sản và tử vong.
Vì vậy, phòng tránh giun sán nhiễm vào hải sản tươi sống phải được thực hiện ngay từ quá trình chế biến. Hãy tham khảo 4 bí quyết thiết thực dưới đây:
1. Chỉ sử dụng nguyên liệu biết rõ nguồn gốc
Đặc biệt với một số loại hải sản có vỏ như ngao, sò, ốc, hến, tu hài, cua…, nếu bạn ăn phải những con đã chết thì nguy cơ dị ứng do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sản sinh chất độc sẽ cao hơn rất nhiều lần. Hệ miễn dịch cơ thể không kịp thích ứng với độc chất độc sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.
Vì vậy, chỉ nên ăn các loại hải sản còn tươi và sống nguyên, đồng thời cũng nên biết rõ nguồn gốc của chúng, Bởi vì, một số loại hải sản sống ở vùng thủy triều đỏ hay nước ô nhiễm nặng có nguy cơ nhiễm giun, sán, kí sinh trùng gây ngộ độc rất cao.
2. Mang găng tay cao su khi sơ chế
Các loại ấu trùng trong nội tạng hải sản có thể chui xuyên qua da để vào cơ thể bạn. Nên đề phòng bằng cách đi găng tay khi sơ chế chúng.
3. Loại bỏ hết nội tạng cá nếu muốn ăn sống
Khi chế biến cá, bạn cần lưu ý loại bỏ hết các loại nội tạng. Nguyên nhân là do ấu trùng sống ở ruột cá thường tồn tại dưới dạng xoắn, cuộn chặt, không màu trong các ổ tròn có đường kính khoảng 3mm hoặc ấu trùng màu đỏ tía nằm tự do trong cơ hoặc nội tạng, rất khó nhìn nên cần phải nấu chín kỹ mới ăn.
Bạn cũng nên làm sạch nội tạng các loại hải sản khác trước khi ăn.
4. Biện pháp tốt nhất vẫn là ăn chín, uống sôi
Dù là chuẩn bị bữa ăn cho gia đình hay đi ăn uống ở các địa điểm du lịch, bạn cũng nên yêu cầu nhà hàng nấu thật chín hải sản rồi mới ăn, đặc biệt là các loại tôm, cá biển còn sống ở vùng thủy triều đỏ, cá hồi, cá mòi, cá thu…
Hầu hết giun sán, trứng hay ấu trùng của chúng đều bị vô hiệu hóa trong nhiệt độ nước sôi. Với món lẩu hải sản, chúng ta cần nhúng thật chín kỹ trong nước lẩu sôi rồi mới ăn. Hải sản chỉ mới tái cũng có nguy cơ nhiễm giun sán như hải sản còn sống.
Nguồn: Thùy Linh ( PNO )