Cuộc chiến giữa kẻ săn mồi và con mồi nghe thật đơn giản nhưng chiến trường luôn diễn ra rất khốc liệt. Các cuộc chiến luôn thay đổi và chỉ cần một hành động diễn ra cực nhanh cũng có thể để lại những ảnh hưởng rất lớn. Những thay đổi sẽ tạo ra thế cân bằng trong thế giới tự nhiên và quyết định những cá thể nào sẽ sinh tồn.

Các vùng biển băng là vùng đất lạnh giá và khắc nghiệt nhất trên thế giới. Những cuộc chiến ở đây rất ngoạn mục. Nhiệt độ mùa đông của vùng cực có thể hạ xuống âm 60 độ C. Những cơn gió lạnh thổi với vận tốc tối đa là 150 km/giờ. Mặc dù các biển băng có điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng chúng vẫn nâng đỡ cho nhiều sự sống. Đó là loài hải cẩu vòng và gấu Bắc cực. Chúng là kẻ thù nguy hiểm của nhau. Các loài vật này đều có nhu cầu tồn tại nơi đây. Các mùa thực sự ảnh hưởng rất lớn đến chiến trường của vùng cực. Mỗi thay đổi về đặc điểm nước hay băng tuyết của nơi này sẽ làm thay đổi sự sống trong vùng.

Gấu trắng Bắc cực

Gấu Bắc cực là động vật ăn thịt lớn nhất trên cạn. Thế nhưng, kích cỡ lớn của gấu Bắc cực đôi khi cũng gây cho chúng nhiều phiền toái. Cơ thể to lớn sẽ đòi hỏi những bữa ăn lớn. Chúng luôn cần nhiều năng lượng để có thể sinh tồn trong môi trường lạnh giá. Chính vì thế, chúng ưu tiên lựa chọn những loài động vật có nhiều mỡ làm thức ăn. Trong làn nước lạnh giá của biển băng, thức ăn thật sự khan hiếm.

Ở vùng Bắc cực, loài hải cẩu vòng có số lượng khoảng 700.000 con và chúng sinh sống rải rác trên diện rộng. Gấu Bắc cực thường phải đi khoảng 24 km/ ngày để tìm thức ăn. Trong một năm, chúng đã đi được quãng đường là 8.000 km.

Vào mùa hè, thời tiết mát mẻ tạo sự thoải mái cho gấu trắng Bắc cực. Bên cạnh đó, băng tuyết tan chảy nhanh gây ra cho chúng nhiều khó khăn. Chúng cố núp bên dưới các khối băng và bò trườn đến gần con mồi. Hải cẩu sẽ dễ dàng phát hiện ra chúng và nhảy bổ xuống nước để lẩn trốn. Điều này có nghĩa là chiến trường đang ưa đãi cho hải cẩu.

Hải cẩu

Ngược lại, khi mùa đông đến, vùng biển bắt đầu đóng băng lại. Lớp băng cứng sẽ ngăn chặn hải cẩu nhảy xuống nước. Lần này, con mồi lẩn trốn vào bên dưới lớp băng. Nhưng chỗ lẩn trốn mới này không an toàn cho hải cẩu bởi gấu trắng có thể ngửi được mùi của con mồi trong vòng bán kính 2 km. Cứ mỗi 20 phút, loài hải cẩu phải bơi trồi lên mặt nước để hít thở không khí. Chúng thường tìm đến các lỗ băng nhỏ bé để hít thở trước khi bị ngạt. Điều đó thật không dễ dàng chút nào đối với hải cẩu vì chiến trường bây giờ là lớp băng cứng dày đặc trên đầu chúng. Lớp băng bên trên đã phóng đại âm thanh tiếng bước đi của con gấu. Sóng âm sẽ truyền tiếng bước chân của gấu đến hải cẩu. Vì thế, hải cẩu có thể phát hiện ra kẻ thù ở cách đó 1 km và tránh được những cuộc chạm trán với chúng. Một lần nữa, chiến trường mùa đông lại ưu đãi cho hải cẩu.

Mọi nguy hiểm xảy đến với chúng khi chúng bắt đầu sinh con. Hải cẩu cái thường đào băng tuyết để làm hang đẻ con. Hang của chúng chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất. Đó là một con đường dẫn xuống biển. Thú con có thể trú ngụ an toàn tại đây.

Gấu trắng là loài vật đi săn mồi bằng mũi chứ không phải bằng mắt. Nó đánh hơi khắp mọi nơi trên vùng biển băng. Nhờ vào các đợt gió, mũi của gấu trắng có thể phát hiện được mùi của hải cẩu con ở cách xa 1 km. Khi xác định được mục tiêu, gấu trắng sẽ di chuyển rất nhẹ và dùng sức mạnh làm cho băng vỡ ra. Việc còn lại bây giờ của gấu trắng là chui xuống nước và bắt lấy con mồi.

Đây là quy luật tự nhiên của sự đấu tranh và sinh tồn trên vùng biển băng. Con vật này chết sẽ có thể giúp con vật khác thoát khỏi cơn đói và sinh tồn.

Minh Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *