Bên bờ hạnh phúc

Gián là một trong những loài động vật mà con người căm ghét nhất, song sự tuyệt chủng của chúng sẽ gây nên thảm họa đối với các hệ sinh thái trên địa cầu.

Khi nhìn thấy gián, phản ứng đầu tiên của phần lớn mọi người là tìm cách giết hoặc xua đuổi chúng. Con người ghét gián vì chúng sống trong điều kiện bẩn thỉu, phá hoại tài sản và truyền bệnh cho người.

Phân của gián là nguồn cung cấp nitơ quan trọng cho cây cối

Tuy nhiên, các nhà sinh học khẳng định, mặc dù chỉ là côn trùng hết sức tầm thường, gián lại có vai trò quan trọng đối với các hệ sinh thái trên địa cầu. Giáo sư Srini Kambhampati, trưởng khoa Sinh học của Đại học Texas tại Mỹ, khẳng định rằng sự biến mất của gián có thể phá vỡ chu kỳ tuần hoàn của nitơ – một loại khí rất quan trọng đối với sự sống, The Huffington Post cho hay.

"Phần lớn gián ăn chất hữu cơ đang phân hủy – thứ chứa nhiều nitơ. Sau đó gián giải phóng nitơ qua phân. Nitơ xâm nhập vào đất và cây lấy chúng để phục vụ quá trình sinh trưởng", Kambhampati giải thích.

"Nói cách khác, sự tuyệt chủng của gián có thể gây lên thảm họa lớn đối với các khu rừng và những sinh vật phụ thuộc vào rừng", vị giáo sư nói.

Kambhampati cũng cảnh báo rằng, khoảng 5.000 tới 10.000 loài gián trên hành tinh cũng là nguồn thức ăn quan trọng của nhiều loài động vật nhỏ như chim, chuột. Những động vật nhỏ lại trở thành mồi cho những loài lớn hơn như đại bàng, sói, rắn. Vì thế, sự sụt giảm số lượng gián sẽ gây nên tình trạng thiếu thức ăn đối với những loài ở cấp cao hơn trong chuỗi thức ăn.

Tất nhiên, sự tuyệt chủng của gián là khả năng rất khó xảy ra. Giới sinh học từng khẳng định rằng, ngay cả khi chiến tranh hạt nhân bùng phát, gián sẽ vẫn là một trong những loài động vật sống sót sau thảm họa.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *